Thông tin về Cookies

Cookies giúp bạn dùng website hiệu quả hơn và nhận thông tin phù hợp. Khi cho phép tất cả, bạn đồng ý với cách dùng Cookies được nêu trong trang Thông tin về Cookies. Bạn có thể thay đổi lựa chọn này bất kỳ lúc nào.
Những điều cần biết
Pháp: ĐẾN CHÂN TRỜI MỚI

“Đi bảo tàng” ở xứ sở bảo tàng

Louvre museum

Sau 5 năm du học Pháp, mình "chết" luôn thói quen đi bảo tàng. Lí do thì nhiều lắm!

 

Này nhé, bảo tàng thường được đặt trong những tòa nhà có kiến trúc đẹp mê li. Nếu mang theo thẻ sinh viên, có khi bạn sẽ được miễn phí hay nếu không cũng được giảm giá tẹt ga. Chưa kể, bên cạnh hệ thống bộ đàm hiện đại, các tác phẩm thường được dẫn giải vô cùng dễ hiểu, kết hợp với nhiều ấn phẩm thiết kế đẹp mắt. Và quan trọng nhất là, trong số hơn 1240 bảo tàng trên cả nước, bạn chắc chắn sẽ tìm được bảo tàng có chủ đề phù hợp với đam mê của mình.

 

 

>> 5 điều bạn có thể làm khi du học Pháp

>> Du học Pháp trong mắt (kính) tôi là…

 

 

Những bảo tàng phải-đến-một-lần

Một trong những việc phải làm khi đến Paris là ghé bảo tàng Louvre… chụp ảnh selfie với nàng Mona Lisa. Một họa sĩ người Pháp nói với mình rằng mất cả tuần cũng không thể xem hết tất cả các tác phẩm ở đây.  

 

 

 

 

Có đến 38.000 tác phẩm được trưng bày tại đây, xoay quanh chủ đề nghệ thuật phương Tây (từ thời Trung Cổ cho đến năm 1848), văn minh cổ đại phương Đông, Ai Cập, Hy Lạp, Ê-tơ-ru-ri, La Mã, nghệ thuật Hồi giáo cùng nhiều những đề tài khác nữa.

 

 

 

 

Sau khi bước ra khỏi Kim tự tháp kính Louvre, bạn nhớ phóng tầm mắt về trục đường thẳng nối liền Jardin des Tuileries với đại lộ Champs-Elysées, Khải Hoàn Môn, và xa xa là cả khu kinh tế hành chính La Défense.

 

 

 

 

Những bạn mê xu hướng ấn tượng với mong ước một lần được nhìn ngắm các kiệt tác như Les Nymphéas (Claude Monet), Le Déjeuner sur l'herbe (Edouard Manet), le Portrait (Vincent Van Gogh…) lại có hẹn với bảo tàng Orangerie và Orsay. Trong phim Gossip Girl, Blair đã gặp hoàng tử Louis Grimaldi tại bảo tàng Orsay, nơi mà cách đây khoảng 100 năm còn là một nhà ga xe lửa.  

 

 

 

 

Nếu mê nghệ thuật hiện đại, bạn nhớ ghé trung tâm Georges Pompidou giữa lòng quận 4, Paris. Chưa cần kể đến những tác phẩm tên tuổi được triển lãm bên trong, bản thân trung tâm Beaubourg (cách gọi ưa thích của người Paris dành cho Centre Pompidou) đã là một tuyệt phẩm kiến trúc thế kỉ 20 của hai kiến trúc sư Renzo Piano và Richard Rogers.

 

 

 

 

Đã đến đây rồi, hãy dành thời gian ngồi bệt xuống thềm đá ở khu vực quảng trường phía trước bảo tàng để thưởng lãm tài nghệ của những nhạc công, tượng người, người hành nghề kể chuyện… và nhiều các nghệ sĩ đường phố đa tài.

 

>> Bạn biết gì về Thạc sĩ Bảo tàng học?

 

 

Những bảo tàng chỉ-nghe-đã-muốn-đến

Bên cạnh các bảo tàng phổ biến như bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng khoa học công nghệ, bảo tàng lịch sử, bảo tàng tự nhiên… nước Pháp từng đôi lần khiến mình ngạc nhiên vì những bảo tàng "ngon tuyệt" như bảo tàng kẹo Haribo, bảo tàng sô-cô-la, bảo tàng phó-mát "Con bò cười".

 

 

 

 

Thích nhất là tín đồ của lĩnh vực nào cũng có bảo tàng để khám phá. Tại bảo tàng nước hoa quốc tế Grasse, xứ sở của những cánh đồng oải hương tím huyền thoại, bạn sẽ được khám phá chuyện kể về lịch sử nước hoa hay tham gia những lớp sáng tạo mùi hương, trải nghiệm nhiều hoạt động "khuấy động khứu giác" thú vị.

 

Đội thích lái máy bay thì sao nhỉ? Xin mời phi tới bảo tàng hàng không và vũ trụ Bourget – một trong những bảo tàng lâu đời nhất trong ngành hàng không. Trong "thực đơn" những thứ phải xem, bạn nhớ tìm xem siêu âm cơ Concorde nhé!

 

 

 

 

Và với những bạn thích tìm tòi những công trình khác biệt, mình nghĩ "bảo tàng của những tòa lâu đài được lắp bằng diêm" và "bảo tàng" Guedelon là hai chốn phải ngó nghiêng. Mình quyết định cho Guedelon vào hạng mục bảo tàng vì công trình lâu đài Trung Cổ này vẫn đang được xây dựng - giữa thế kỷ 21 - bằng cách áp dụng những kỹ thuật thô sơ thời ấy. Một lần đến đây nhìn ngắm các nhân công thồ đá bằng ngựa, dùng tay xây khắc đá, đẽo gỗ, lợp ngói… chắc chắn sẽ không tránh khỏi cảm giác đang ghé thăm một bảo tàng người thật việc thật.

 

 

 

 

Đi lòng vòng chắc bạn đã đói? Choco Story Paris sẵn sàng chào đón, kể bạn nghe hành trình 4000 năm phát triển của sô-cô-la và giúp bạn tận tay làm ra những thỏi sô-cô-la của riêng mình.

 

>>  5 lí do nên chọn Pháp để du học

 

 

hoặc... không-muốn-đến

Ok, có thể bạn đang nghĩ rằng "Nếu đã không muốn đến thì kể ra làm gì" - là để bạn thấy danh mục các bảo tàng ở Pháp đằng đẵng đến đâu, và kể cả khi bảo tàng đó kỳ dị đến mức nào thì vẫn có những người hâm mộ tìm tới (nhờ thế nó mới tồn tại được đến bây giờ bằng tiền bán vé chứ!)

 

Điển hình nhất phải kể tới bảo tàng ma cà rồng và thế giới tưởng tượng, bảo tàng của những căn bệnh ngoài da, bảo tàng của những chiếc mở nút chai, bảo tàng giải phẫu bệnh, bảo tàng ống cống, bảo tàng giấy dán tường, bảo tàng đồ giả…

 

 

 

 

Vì nhát cáy nên mình vẫn chưa có dịp ghé thăm bảo tàng mà cà rồng ở Lilas, nhưng nghe đồn là nơi này sẽ khiến bạn nổi da gà với những món đồ trừ tà thời thế kỷ 19 hay những câu chuyện kể về nghi thức đuổi ma cà rồng được vận dụng trong quá khứ. Để thêm phần rùng rợn, người chủ bảo tàng - vốn là một nhà văn và nhà sử học - còn vặn điều hòa ở mức thật thấp, tạo không khí lành lạnh suốt chuyến viếng thăm. Chia sẻ của những người đã từng đến thăm bảo tàng trên Tripadvisor?  -  "Nhiều câu hỏi sẽ theo đuổi bạn suốt vài ngày sau đó!"

 

 

 

 

 

 

 

Những bảo tàng một lần đã đến (và cứ nhớ hoài)

Bạn đã từng mê mẩn Bảo tàng dân tộc học Việt Nam? Vậy thì bảo tàng Quai Branly – Jacques Chirac sẽ khiến bạn muốn ở luôn đến tối!

 

 

 

 

Chỉ cách tháp Eiffel vài phút đi bộ, quai Branly là thiên đường của những bạn mê khám phá về các dân tộc trên thế giới, với 3.500 tác phẩm nghệ thuật châu Phi, châu Mỹ, châu Đại dương và châu Á được trưng bày.

 

 

 

 

Điểm nhấn của bảo tàng còn nằm ở khu vườn và bức tường phủ thực vật bao quanh – vốn được cấu thành từ 150 loại cây có xuất xứ từ mọi miền thế giới.

 

Ngoài bảo tàng quai Branly, ở Paris còn có bảo tàng quốc gia Pháp về nghệ thuật Á châu (bảo tàng Guimet) - hai địa chỉ quan trọng dành cho những bạn theo đuổi các ngành xã hội, nhân văn, châu Á học, hay nghệ thuật Á châu.

 

 

 

 

KINH NGHIỆM BỎ TÚI

  • Hầu hết các bảo tàng ở Pháp đều mở cửa miễn phí cho toàn dân vào ngày chủ nhật đầu tháng. Tháng 9 hàng năm, nhân sự kiện Ngày hội di sản châu Âu, bạn cũng sẽ được vào thăm miễn phí các bảo tàng và nhiều công trình bình thường "không phận sự miễn vào".

  • Để có thể đến thăm nhiều bảo tàng ở Paris với chi phí tiết kiệm, bạn có thể mua Paris Pass. Chiếc thẻ này như chiếc chìa khóa vạn năng, giúp bạn dễ dàng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và đến thăm khoảng 50 công trình và bảo tàng nổi tiếng mà không phải xếp hàng mua vé như những du khách khác. Bạn có thể mua tấm vé này trực tuyến trên trang www.parisinfo.com

  • Đêm bảo tàng là sự kiện bạn nên thử qua để được trải nghiệm nhìn ngắm những tác phẩm kinh điển khi màn đêm đã xuống.

  • Hầu như mỗi thành phố nào đó - dù nhỏ hay lớn – đều sở hữu một bảo tàng đáng tự hào. Chẳng hạn, nếu nhắc đến danh họa Monet, bạn sẽ nghĩ ngay mìnhi ngôi nhà nơi ông đã vẽ ra những danh phẩm hoa súng tại Giverny. Còn Arles lại là nơi lưu giữ căn phòng nổi tiếng trong tranh của Van Gogh. Do đó, bạn nhớ tìm kiếm thông tin về những bảo tàng riêng có của thành phố sắp ghé thăm và lên lịch cho chuyến hành trình thêm phần đặc biệt.