Thông tin về Cookies

Cookies giúp bạn dùng website hiệu quả hơn và nhận thông tin phù hợp. Khi cho phép tất cả, bạn đồng ý với cách dùng Cookies được nêu trong trang Thông tin về Cookies. Bạn có thể thay đổi lựa chọn này bất kỳ lúc nào.
Những điều cần biết
Pháp: CHUẨN BỊ LÊN ĐƯỜNG

Kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ đi làm “au pair” ở Pháp năm 2019

765
hồ sơ đi làm au pair ở pháp

Bạn muốn dành một thời gian đi làm kiếm thêm thu nhập, làm quen với phong cách sống bản địa và tận dụng thời gian rảnh ngoài công việc “au pair” để đi học tiếng Pháp? Vậy thì “au pair” chính là phương án bạn nên cân nhắc! Hotcourses Vietnam đã nối máy với một cô bạn vừa đặt chân sang Pháp theo diện “au pair” để tìm hiểu thêm.

 

>> Từ bỏ tất cả, tôi sang Pháp để được lại gần giá trị sống thuộc về mình

 

Xin chào, bạn có thể lưu ý những thay đổi chính trong năm 2019?

 

Từ năm 2019 chương trình “au pair” Pháp có 3 thay đổi chính là trên visa của bạn sẽ được ghi hẳn là “jeune au pair” thay vì visa sinh viên như trước đây. Tuy “au pair” được hiểu theo nghĩa phổ thông là chăm sóc trẻ, nhưng kể từ năm 2019, những bạn trẻ theo chương trình này sẽ không được chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi, người già, người tàn tật hoặc người bệnh mất tự chủ.

 

Đặc biệt, thời gian làm việc từ 30 giờ, kể từ năm nay sẽ được giảm xuống 25 giờ/tuần!

 

Như vậy bất kể bạn là nam hay nữ, còn độc thân và nằm trong độ tuổi 18 đến 30, bạn hoàn toàn có thể đăng ký chương trình “au pair” để lên đường sang Pháp sinh sống và làm việc trong gia đình bản địa trong 1 hoặc 2 năm. Lựa chọn này không mất nhiều chi phí mà còn có thêm tiền tiêu vặt, và quan trọng hơn là giúp bạn cọ xát được thực tiễn đời sống ở Pháp – nơi có thể bạn đã “cho vào tầm ngắm” cho kế hoạch du học sắp tới và muốn được tìm hiểu thêm.

 

>> Đi làm giữ trẻ (au pair) ở nước ngoài

 

Quá trình tìm kiếm gia đình chủ nhà có khó khăn không? Có lời khuyên nào về việc tìm kiếm thông tin liên quan đến chủ nhà mà bạn muốn chia sẻ?

 

Qua các website, nhóm facebook.... bạn có thể tìm được “famille d'accueil” (gia đình chủ nhà) tùy theo nhu cầu tìm kiếm của bản thân. Cá nhân mình đã sử dụng trang Aupairworld để tìm kiếm thông tin tuyển dụng.

 

Ở mục tìm kiếm, bạn có thể sử dụng các từ khóa như nghề nghiệp, tỉnh thành, độ tuổi của trẻ... để cho ra danh sách các gia đình tiềm năng, từ đó bạn bắt đầu nhắn tin cho gia đình. Lưu ý của mình là dù gia đình bạn “khoanh vùng” ưu tiên chọn sinh viên châu Âu thì bạn hãy cứ mạnh dạn nhắn tin.

 

 

Lưu ý rằng bạn cũng nên để ý đến số lượng “Au pair” đã gửi thư cho gia đình nhằm so sánh tỉ lệ chọi. Nếu họ đã nhận trên 20 hồ sơ rồi thì xác định nên từ bỏ. Trang Aupairworld có quy định số thư tối đa được gửi cho các gia đình mỗi tháng. 

 

Cá nhân mình đã gửi sơ yếu lý lịch, hình ảnh trong tin nhắn riêng tư, còn phần hồ sơ trên web thì gần như để trống. Bản thân mình không muốn giữ các trẻ quá nhỏ tuổi, đồng thời có nghề nghiệp tương ứng với định hướng việc làm đang theo đuổi để có thể học hỏi từ họ. Sau khi hai bên liên lạc được với nhau, mình đã nói chuyện với bà chủ nhà qua Whatsapp rồi tiến hành điền hợp đồng theo mẫu. Bạn có thể in ra và điền bằng tay hoặc điền trực tiếp bằng mục chỉnh sửa của phần mềm đọc pdf. Hợp đồng phải được hai bên ký ghi rõ ngày tháng.

 

Và đặc biệt bạn nên hỏi xin thông tin liên lạc của chủ nhà về người làm “au pair” trước đó để tìm hiểu thêm về gia đình. Chẳng hạn người bạn trước đó đã khuyên mình không nên đi du lịch với gia đình chủ nhà vì họ thường đến những nơi đắt đỏ, như vậy sẽ rất tốn kém. Ngoài ra, bạn cũng nên đặt tất cả các câu hỏi, thắc mắc của mình cho chủ nhà để giải đáp băn khoăn (nếu có) về họ. Kinh nghiệm của mình là nên hỏi họ đã từng nhận "au pair" người Việt Nam trước đó chưa, để chuẩn bị cho việc thích nghi sao cho tốt nhất có thể.

 

 

Bạn có thể chia sẻ những lưu ý đặc biệt cho quá trình xin visa diện “au pair”?

 

  • Bước 1: Xin thị thực dài hạn France Visas

 

Để lên đường tham gia chương trình “au pair”, bạn sẽ phải xin thị thực dài hạn France Visas. Khi đã xác nhận tất cả các bước, bạn cần tải về 2 văn bản, một là mã vạch của hồ sơ trên France-Visas, hai là đơn xin cấp thị thực dài hạn đã điền đầy đủ thông tin.

 

Khi đã có danh sách giấy tờ cần thiết cho việc xin thị thực, ta sẽ chuẩn bị những giấy tờ đó rồi đem dịch sang tiếng Anh/Pháp. Bây giờ ta không còn phải chứng minh tài chính, có bằng tiếng Pháp hay có giấy xác nhận ghi danh như khi làm hồ sơ visa du học Pháp. Yêu cầu cấp thị thực sẽ phải ký thêm một số chỗ, nhưng bạn cứ để nguyên như vậy, nhân viên tại TLS contact sẽ chỉ dẫn cụ thể.

 

 9 lời khuyên hữu ích cho chuyến “au pair” của bạn

 

Danh sách những giấy tờ mình đã chuẩn bị cho France-Visas gồm có:

 

  1. Hộ chiếu còn hạn ít nhất ba tháng tính từ ngày dự kiến trở về và còn ít nhất hai trang trống.

  2. Tờ khai xin thị thực 

  3. Ảnh thẻ

  4. Giấy xác nhận đồng ý (CERFA) của gia đình tiếp nhận, giấy tờ chứng minh trình độ ngôn ngữ hoặc học vấn và nghề nghiệp + thư trình bày lí do của sinh viên và gia đình mời

  5. Bảo hiểm y tế

 

  • Bước 2: Nộp hồ sơ tại TLSContact

 

Khi đã có đầy đủ những giấy tờ trên, đã đến lúc đặt hẹn với TLSContact là đơn vị tiếp nhận hồ sơ xin visa Pháp.

 

Mình đã đặt hẹn chọn mục đi làm do trong lựa chọn không có mục au pair, sau đó nhân viên sửa lại là au pair. Danh sách những giấy tờ cần thiết khi nộp hồ sơ cho TLSContact:

 

  1. Chứng nhận lịch hẹn với TLSContact đã bao gồm mã vạch. Khi các bạn đặt lịch hẹn trên TLSContact xong thì sẽ lập tức có giấy này, chỉ cần in ra là được.

  2. Mã vạch hồ sơ của France-Visas như trên

  3. Đơn xin cấp thị thực dài hạn tải từ trang France-Visas 

  4. 2 ảnh chụp hộ chiếu 

  5. Hộ chiếu và bản photocopy của hộ chiếu

  6. Hợp đồng au pair giữa bạn và gia đình. Tham khảo mẫu hợp đồng tại đây. (Nếu bạn chưa đủ 18 tuổi thì sẽ cần thêm chữ kí của cha mẹ)

  7. Các hồ sơ đánh giá trình độ học vấn.

 

Lưu ý về yêu cầu học vấn cấp 3 trở lên: chỉ cần công chứng học bạ (không cần giấy tốt nghiệp cấp 3, nên các bạn lớp 12 có thể xin visa). Dù họ không đòi hỏi nhưng giấy chứng nhận đỗ đại học (tạm thời), bằng tốt nghiệp, bằng tiếng Pháp, tiếng Anh cũng nên nộp thêm cho thuyết phục.

 

  1. Thư động lực của bạn và Thư động lực của gia đình người Pháp.

  2. Đặt vé máy bay. Các bạn chỉ cần in mail xác nhận đặt chỗ của hãng bay.

  3. Bảo hiểm du lịch. Mình chỉ mua hai tuần đầu tiên vì bảo hiểm ở Pháp sẽ được gia đình chủ nhà chi trả.

  4. Ngoài ra, bạn cần Giấy cho phép của cha mẹ (dành cho các bạn chưa đủ 18 tuổi). Không bắt buộc phải có thư giới thiệu.

 

Ngày hẹn nộp hồ sơ TLSContact, bạn mang theo giấy tờ đã in. Những bản dịch công chứng thì chỉ cần nộp bản photo đen trắng. TLS kiểm tra an ninh khá chặt chẽ, điện thoại và các vật sắc nhọn phải được gửi ở ngoài. Bạn theo dõi số hồ sơ TLS trên bảng hiệu và vào đúng quầy. Nhân viên TLS sẽ giúp bạn điền nốt những phần còn thiếu và giúp bạn dán ảnh vào hồ sơ. Sau cùng bạn sẽ phải chờ lấy dấu vân tay và chụp ảnh. Nếu bạn ở xa thì có dịch vụ chuyển phát nhanh đến địa chỉ nhà. Ngoài ra TLS cũng có những dịch vụ khác như photocopy, dịch vụ ưu tiên,... bạn có thể tham khảo trên trang web.

 

 

Thời gian chờ đợi visa thường mất 2 tuần. Trong lúc chờ đợi, bạn có thể tìm hiểu cách thức… xin xét lại nếu thị thực bị từ chối lần đầu, cũng như theo dõi tiến trình của hồ sơ qua tài khoản của TLScontact. Khi hộ chiếu đang được chuyển về, bạn có thể gọi điện cho TLS hỏi mã vận đơn gồm 13 ký tự chữ và số và theo dõi trên trang https://www.ems.com.vn/.

 

Chúc các bạn thành công và sớm có những trải nghiệm thú vị với gia đình Pháp nhé!