Nhật Linh, cử nhân trường MJM Paris (Pháp) đã nhiệt tình chia sẻ với Hotcourses về quá trình học ngành Đồ họa truyền thông tại trường.
>> Những kĩ năng cần có của một chuyên viên thiết kế đồ họa
>> Các khóa học Thiết kế Đồ họa tại Anh
Chào Linh, background ở Việt Nam của bạn là gì và lí do tại sao Linh đã chọn học ngành này ở Pháp?
Background của Linh ở Việt Nam chỉ đơn giản gói gọn qua khóa học vẽ chì hình họa căn bản trong hai năm, học vẽ trang trí và học pha màu trong… vài buổi, biết một chút về Photoshop và một chút về máy ảnh.
Lí do Linh lựa chọn ngành này có lẽ vì Linh thừa hưởng ít nhiều tính nghệ sỹ từ bố. Khoảng thời gian năm 16, 17t đứng trước ngưỡng cửa Đại học, Linh thường đọc sách, nghe nhạc, viết blog, nhờ đó dần đào sâu vào khám phá cảm xúc của bản thân, rồi đến cùng với một số tác động không nhỏ từ những người bạn cùng lứa cũng yêu thích nhiếp ảnh, thời trang hay kiến trúc lúc bấy giờ, Linh chợt nghĩ: Tại sao không? Một ngành nghề có thể giúp mình thể hiện cảm xúc mà không cần ngôn từ, giúp mình cân bằng hơn trong cuộc sống, một công việc đòi hỏi lòng yêu cái đẹp không ngừng. Vậy là lúc đó Linh quyết định theo đuổi ngành nghệ thuật thị giác (Visual Art), sau một thời gian đắn đo thì hạ quyết tâm với Đồ họa dù lúc đưa quyết định đó thì những hiểu biết của Linh về Đồ họa còn rất rất mù mờ.
Lí do đầu tiên Linh chọn học ở MJM vì học phí ko quá đắt so với khả năng của Linh, cũng biết có những trường rẻ hơn nhưng sau khi đến xem Portes ouvertes (Ngày hội cử mở) của từng trường thì Linh thấy ở MJM có 2 điểm cộng so với những trường khác: cơ sở vật chất hiện đại và bài làm của sinh viên cũng phù hợp với phong cách mà Linh theo đuổi.
Thật ra, có những trường tiền học phí khá rẻ nhưng bài của sinh viên bậc Bac+5 (Thạc sĩ) không thể hiện được nhiều cá tính riêng, trong khi có những trường bài của sinh viên khiến Linh mê mẩn nhưng học phí dĩ nhiên rất đắt.
Ở trường Linh có những ngành học nổi bật nào?
Trường mình có tất cả 12 chuyên ngành đào tạo: Kiến trúc nội thất - Trang trí nội thất - Trang trí cửa hàng & Trưng bày sản phẩm - Đồ họa truyền thông - Đồ họa kỹ thuật số - Đồ họa chuyển động - Dựng phim - Nhiếp ảnh - Thiết kế game - Thiết kế web - Thiết kế Thời trang - Tạo dáng sản phẩm. Ngoài ra còn có một khóa Dự bị nghệ thuật dạy tổng quát những kĩ năng cơ bản nhằm tạo một bước đệm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nghệ thuật ứng dụng nói chung để từ đó chọn ra một ngành học phù hợp nhất.
>> 10 ngôi trường thiết kế nổi tiếng thế giới
>> Tìm hiểu ngành Đồ họa truyền thông
Đâu là sự khác biệt giữa trường công và trường tư của ngành học này tại Pháp?
Riêng đối với những ngành Nghệ thuật Ứng dụng (arts appliqués) và Nghệ thuật Tạo hình (arts plastiques) thì giáo trình đào tạo ở các trường công mang tính đại cương và hàn lâm hơn các trường tư. Các ngành học ở trường tư được chia nhỏ, mang tính thực tiễn và tính chuyên môn cao (trường MJM là một ví dụ, chỉ tính riêng Đồ họa đã chia thành 3 ngành đào tạo khác nhau). Trong khi đó kiến thức ở trường công tổng quát hơn và sinh viên thường được yêu cầu đào sâu vào lý thuyết.
Bạn có nghĩ việc học Đồ họa ở Pháp có gì khác so với các môi trường giáo dục khác không?
Chà, Linh chưa có cơ hội học Đồ họa ở nước nào khác ngoài Pháp, nhưng theo Linh chắc chắn sẽ có những sự khác biệt. Có rất nhiều yếu tố nhỏ tạo nên sự khác biệt: từ chất lượng đào tạo, giáo trình đào tạo đến phong cách nghệ thuật của giáo viên giảng dạy, nhưng yếu tố căn bản nhất là “background” (cái nền) văn hóa. Đồ họa dù được ứng dụng nhiều trong công nghiệp như thế nào thì trước hết vẫn là một ngành nghệ thuật văn hóa, vì thế những sản phẩm được làm ra ít nhiều đều mang màu sắc của người làm. Môi trường sống là một trong những yếu tố tác động nhiều nhất đến tính cách mỗi người, và theo đó cái không khí, thần thái trong mỗi sản phẩm mình làm ra cũng sẽ thay đổi. Nói đơn giản, cách mình tư duy, gu thẩm mỹ, định nghĩa về cái đẹp của mình sẽ chịu ảnh hưởng bởi môi trường văn hóa mình đang sống. Cái đó theo Linh là một trong những yếu tố quan trọng nhất định hình nên phong cách thiết kế của mỗi cá nhân - nhất là những bạn sinh viên vẫn còn trong giai đoạn mày mò và tìm hiểu.
Cơ hội việc làm của ngành này khi về Việt Nam và ở lại nước sở tại có những khó khăn, thuận tiện gì?
Pháp vẫn chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên trẻ nước ngoài hiện nay cũng không dễ dàng, nhất là khi sinh viên trên thế giới tìm đến Pháp để học nghệ thuật rất nhiều, trong khi môi trường việc làm cho ngành đồ họa ứng dụng cũng đang dần bão hòa . Tuy nhiên vẫn sẽ có cơ hội cho bạn nếu như bạn có sự đầu tư đầy đủ khi đi xin việc, chững minh rằng bạn có năng lực (điều cần được thể hiện rõ ràng trên portfolio hoặc quyển book professionnel) hoặc/và có kinh nghiệm vững vàng.
Thuận lợi khi tìm việc ở Việt Nam: đồ họa đang phát triển mạnh mẽ, tiềm năng và phạm vi ứng dụng của nó vào các lĩnh vực hoạt động xã hội ngày càng được mở rộng nên thị trường việc làm hiện đang khá sôi động. Điểm bất lợi trước mắt, đó là ở VN đồ họa vẫn còn là một ngành non trẻ nên tính chuyên nghiệp ít nhiều bị hạn chế và môi trường làm việc chắc chắn cũng còn tồn tại nhiều bất cập.
Cám ơn buổi trò chuyện của Nhật Linh. Hotcourses chúc bạn nhiều thuận lợi trên chặng đường chinh phục thế giới Đồ họa của riêng mình tại Việt Nam!
>> Ngành kĩ xảo điện ảnh VFX: bạn đã biết gì?