Với tốc độ phát triển dân số nhanh chóng trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng liên quan đến mặt hàng chế biến tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Đặc biệt là nhu cầu về sản phẩm được chế biến sạch, an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài các lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng trong nước, Việt Nam còn là mảnh đất màu mỡ cho thị trường thực phẩm xuất khẩu như nông - thuỷ - hải sản. Và ngành Công nghệ thực phẩm chính là yếu tố giúp cho lĩnh vực này càng thêm phát triển. Hãy cùng Hotcourses Vietnam tìm hiểu tất tần tật về Công nghệ thực phẩm - một trong những ngành hot nhất hiện nay nhé!
Ngành công nghệ thực phẩm là gì?
Công nghệ thực phẩm là một lĩnh vực đa ngành, áp dụng các nguyên tắc khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói các sản phẩm liên quan đến thực phẩm. Các kỹ sư sẽ sử dụng kiến thức về hóa học, sinh học và vi sinh, cùng với tuân theo các tiêu chuẩn hay hay quy định nghiêm ngặt để phát triển thực phẩm không chỉ đảm bảo an toàn, chất lượng bổ dưỡng mà còn không kém phần hấp dẫn. Họ còn có nhiệm vụ đổi mới các sản phẩm hiện có dựa trên việc xem xét hương vị, kết cấu, giá trị dinh dưỡng và sở thích của người tiêu dùng. Các kỹ sư Công nghệ thực phẩm phải nghiên cứu các phương pháp để kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm trong khi vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng và hương vị tươi ngon của chúng.
Có thể nói, ngành Công nghệ thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm an toàn và bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đồng thời giải quyết các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực hay tính bền vững.
Tại sao nên học Công nghệ thực phẩm?
Cải thiện an toàn thực phẩm
Công nghệ thực phẩm trang bị cho cá nhân kiến thức về biện pháp kiểm soát chất lượng và vệ sinh nghiêm ngặt để có thể luôn đảm bảo an toàn thực phẩm khi tiêu dùng.
Dinh dưỡng nâng cao
Hiểu biết về Công nghệ thực phẩm cho phép chúng ta giữ nguyên giá trị dinh dưỡng sẵn có trong thực phẩm, đảm bảo không chỉ bản thân mà những người tiêu dùng khác cũng nhận được các chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn uống của họ.
Tính bền vững
Công nghệ thực phẩm góp phần tạo ra hệ thống thực phẩm “bền vững” bằng cách giảm lãng phí thực phẩm, tạo ra các sản phẩm với giá cả phải chăng, đầy đủ dinh dưỡng, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thực hiện các giải pháp đóng gói thân thiện với môi trường nhằm mang lại cuộc sống lành mạnh cho thế hệ tương lai.
Sức khỏe cá nhân và cộng đồng
Kiến thức về Công nghệ thực phẩm giúp bản thân có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt về chế độ ăn uống cho gia đình của mình và những người xung quanh, dẫn đến cải thiện không chỉ kết quả sức khỏe cá nhân mà còn góp phần vào xây dựng lối sống lành mạnh cho cộng đồng.
Cơ hội nghề nghiệp
Với nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm sạch, bổ dưỡng và tiện lợi, nghiên cứu Công nghệ thực phẩm mở ra con đường sự nghiệp đa dạng trong các ngành như sản xuất thực phẩm, nghiên cứu và phát triển và đảm bảo chất lượng.
Là đất nước nông nghiệp với nguồn nông sản phong phú đứng đầu trong khu vực, Việt Nam không chỉ sản xuất thực phẩm để người dân tiêu thụ trong nước mà còn sử dụng để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Bằng cách học Công nghệ thực phẩm, bạn sẽ có được kiến thức chuyên môn để giải quyết các vấn đề quan trọng trong ngành thực phẩm, thúc đẩy lối sống lành mạnh hơn và góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.
hotcourses.vn
Học gì trong ngành Công nghệ thực phẩm?
Cốt lõi của việc đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm là cung cấp nền tảng vững chắc cho sinh viên để ứng dụng khoa học vào sản xuất thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn chung, đồng thời tạo cơ hội cho người học tiếp xúc và thực hành trực tiếp trong phòng thí nghiệm tập làm quen với các công việc phân tích thực tế, đánh giá mức độ vệ sinh an toàn và tiến hành các quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Chính vì vậy xuyên suốt chương trình đào tạo, bạn sẽ được tham gia các khóa học phổ biến bao gồm:
Nguyên tắc cơ bản về khoa học thực phẩm
Tìm hiểu kiến thức về hóa học thực phẩm, vi sinh và hóa sinh để biết thành phần của các chất dinh dưỡng, phụ gia và phản ứng có thể xảy ra trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.
Vi sinh thực phẩm
Kiểm tra các vi sinh vật có liên quan đến thực phẩm, bao gồm vi khuẩn, nấm và vi rút.
Kỹ thuật và Chế biến thực phẩm
Nắm các nguyên tắc kỹ thuật liên quan đến chế biến và bảo quản thực phẩm để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định chung, chẳng hạn như phương pháp chế biến nhiệt, đông lạnh, sấy khô hay đóng gói.
Dinh dưỡng
Hiểu mối quan hệ giữa thực phẩm và sức khỏe con người, bao gồm hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm, hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp và tác động của thực phẩm đến sức khỏe tổng thể.
Phân tích và Kiểm soát chất lượng thực phẩm
Biết sâu thêm các kỹ năng quan trọng trong quy trình sản xuất như kiểm tra, phân tích và đánh giá độ an toàn, độ tinh khiết và chất lượng của sản phẩm.
Phát triển sản phẩm
Đào tạo về quy trình tạo ra các sản phẩm thực phẩm mới, bao gồm nghiên cứu thị trường, xây dựng công thức, đánh giá cảm quan và thiết kế bao bì, phương pháp kéo dài thời hạn sử dụng và tạo tính bền vững trong ngành công nghiệp thực phẩm.
Tất cả những khóa học trên sẽ giúp bạn sở hữu được những kỹ năng không chỉ áp dụng riêng cho ngành công nghiệp thực phẩm, mà còn cho nhiều ngành nghề khác nhau trong các lĩnh vực như Sức khỏe và Dinh dưỡng.
Công nghệ thực phẩm nên học trường nào?
Tại Việt Nam, có rất nhiều cơ sở giáo dục uy tín cung cấp bằng Cử nhân - Thạc sĩ liên quan đến ngành CNTP. Bạn có thể tìm hiểu chương trình tại các trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Nông Lâm, Công Nghệ TP.HCM, Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Bách khoa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Nếu bạn có ý định du học ngành này thì Hotcourses Vietnam có thể gợi ý cho bạn một vài trường đại học uy tín như:
>> Các chương trình đào tạo ngành công nghệ thực phẩm tại Mỹ
>> Các chương trình đào tạo ngành công nghệ thực phẩm tại Úc
>> Các chương trình đào tạo ngành công nghệ thực phẩm tại Anh
>> Các chương trình đào tạo ngành công nghệ thực phẩm tại Canada
>> Các chương trình đào tạo ngành công nghệ thực phẩm tại New Zealand
>> Các chương trình đào tạo ngành công nghệ thực phẩm tại Ireland
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chọn trường và khoá học phù hợp, hãy liên hệ với trung tâm tư vấn du học IDP để được tư vấn và hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.
Sinh viên học Công nghệ thực phẩm tốt nghiệp làm gì?
Với tính ứng dụng cao trong cuộc sống, Công nghệ thực phẩm đang được nhận định là một trong những ngành học “hot” nhất hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chế biến sạch đang tăng cao hơn bao giờ hết. Dù sở hữu nhiều tài nguyên giúp việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản vô cùng thuận lợi và gây tiếng vang trên thế giới, các dòng thực phẩm chế biến tại Việt Nam lại chưa được chú trọng phát triển. Nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có khả năng sử dụng công nghệ để phát triển các sản phẩm vừa chất lượng, vừa thơm ngon, vừa mới lạ. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là cơ hội để bạn thể hiện bản thân và phát triển nghề nghiệp khi thị trường việc làm còn rất rộng mở với những vị trí:
-
Chuyên viên kiểm định/ quản lý chất lượng tại các nhà máy, công ty thực phẩm.
-
Kỹ sư Công nghệ thực phẩm
-
Chuyên gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới tại các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu.
-
Kỹ thuật viên sản xuất
-
Đầu bếp
-
Chuyên gia dinh dưỡng
-
Chuyên viên vận hành, điều khiển dây chuyền sản xuất tại nhà máy
Tuỳ thuộc theo vị trí làm việc, số năm kinh nghiệm và quy mô công ty mà bạn có thể nhận mức lương khác nhau. Các vị trí trên thường có mức lương khởi điểm từ 8.000.000 VND cho sinh viên mới ra trường. Sau 5 - 7 năm chinh chiến và trở thành những chuyên gia/ kỹ sư cấp cao, bạn hoàn toàn có cơ hội đạt được mức lương từ 50.000.000 VND đến 70.000.000 VND.
Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thể hình dung cơ bản về ngành Công nghệ thực phẩm. Đặc biệt là trong giai đoạn 2025 - 2035 khi đây là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển.