Hãy khởi động năm mới bằng việc khai trương một kênh truyền thông chuyên đưa tin về những vấn đề mà chính bạn quan tâm!
Điểm báo và chia sẻ thông tin theo phong cách riêng
Bạn muốn được “thâu tóm” mọi thông tin nóng bỏng và trở thành người đưa tin sớm nhất?
Bạn muốn có một nơi lưu giữ những bài viết trên mạng, thuộc các lĩnh vực quan tâm (mà không phải là lưu lại ở bookmark trên thanh công cụ, nơi quanh năm bám bụi vì bạn dường như quên hẳn).
Bạn muốn thành lập một kênh truyền thông riêng, với những chuyên đề khác nhau, để có thể chia sẻ những thông tin hữu ích cho người đọc?
Scoop.It chính là nơi hô biến những mong muốn của bạn thành sự thật.
Hãy bắt đầu năm 2013 với việc thiết lập một trang tin của chính bạn!
Scoop.it là một công cụ trực tuyến miễn phí cho phép bạn sàng lọc, biên tập và chia sẻ thông tin mà bạn quan tâm (trong hằng sà sa số những nội dung được Scoop.it liên tục cập nhật và đề xuất). Có thể hình dung bạn đóng vai một vị giám đốc còn Scoop.it là cô thư kí xinh đẹp với những xấp hồ sơ công việc mà bạn phải xét duyệt mỗi sáng. Công việc của bạn là đọc qua những hồ sơ đó để quyết định có xét duyệt chúng và chia sẻ hay không. Một khi đã ưng ý, nội dung đó sẽ được “cô thư kí Scoop.It” yêu cầu bạn bày tỏ nhận xét của mình (bạn có thể bỏ qua công đoạn này) qua việc đặt một tên mới cho bài viết cũng như gắn tag, đổi ảnh minh họa… trước khi được công bố trên trang tin của bạn.
Mỗi người là một kênh truyền thông
Vì mục đích của công cụ này trước nhất là để “canh gác thông tin”, nên trước khi khởi động bạn nhớ chọn ra một số vấn đề quan tâm cụ thể để dễ khoanh vùng (ví dụ: Kinh tế Việt Nam, Thời trang, Ẩm thực...) Việc xác định chủ đề chính của trang tin sẽ giúp kênh thông tin của bạn càng thêm đặc trưng.
Chẳng hạn, nếu đang trong thời kì ôn thi tốt nghiệp và muốn theo dõi tất cả các bài viết trên Internet có liên quan đến “Văn học lớp 12”, bạn chỉ cần gõ dòng từ khóa đó vào ô “Từ khóa” (Keywords). Một khi có nội dung nào được đăng tải lên Internet có liên quan đến “Văn học lớp 12”, Scoop.it sẽ cho đường dẫn đó vào danh sách những bài viết cần được kiếm duyệt.
Trước mỗi đề xuất, bạn có quyền nhấn Scoop.it (chia sẻ thông tin đặc biệt này), Discard (loại bỏ) hay Remove source để xóa hẳn nguồn tin đó (nếu bạn cảm thấy đó là nguồn tin không đáng tin cậy hoặc hàm chứa những thông tin không hữu ích).
Điều khiến Scoop.It thu hút nằm ở chỗ công cụ này quan tâm đến quan điểm cá nhân của đọc giả. Với Scoop.It, nội dung thông tin gốc vẫn được bảo đảm nhưng trước khi truy cập vào nguồn tin gốc, những người bạn của bạn sẽ được đọc qua những suy nghĩ, nhận xét của bạn về thông tin đó trước.
Mỗi tài khoản điểm báo cũng có thể chứa nhiều trang tin riêng (dạng như các mục riêng trong một tờ báo). Bạn cũng có quyền chọn lựa, thay đổi giao diện sẵn có hoặc chọn những dịch vụ trả phí để được hỗ trợ tối đa về việc cá nhân hóa trang tin.
Mỗi khi nhấn chia sẻ một thông tin nào đó, bạn cũng có thể “khoe khoang” bảng tin đó bằng việc nối kết với mạng Xã hội (Facebook, Twitter, Google Plus) hay các trang web (blog) của chính bạn, để bảng tin đặc biệt của bạn được lan rộng.
Tóm lại là đối với những ai đang trong công cuộc săn lùng một thông tin nhất định nào đó, việc thiết lập chế độ canh gác thông tin trên Scoop.It là một một tiện ích rất dễ thực hiện, nhanh chóng và quan trọng nhất là hoàn toàn miễn phí. Scoop.It sé giúp những bạn có ý định làm việc trong ngành Báo chí hoặc Truyền thông có thêm kinh nghiệm cập nhật, chọn lựa và xử lí thông tin.
>> Tham khảo trang Scoop.It của một du học sinh Việt
>> Học Nghệ thuật, Truyền thông tại New Zealand
>> Một số trường “điểm” về Thạc sĩ truyền thông liên văn hóa