Việt Nam có Đại sứ quán (ĐSQ), Tổng lãnh sự quán (TLSQ) ở hơn 80 quốc gia nhưng không phải du học sinh nào cũng hiểu được mục đích, vai trò và cách thức liên hệ của loại hình cơ quan chính phủ này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về vai trò cụ thể của các đại sứ quán Việt Nam (ĐSQVN), tổng lãnh sự quán Việt nam (TLSQVN) ở nước ngoài để liên hệ khi cần trong thời gian du học.
>> Các chương trình du học ngành Ngoại giao
Tính đến 20/06/2023, danh sách các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài có 96 cơ quan. Trong đó bao gồm 69 Đại sứ quán, 22 Tổng lãnh sự quán, 4 Phái đoàn và 1 Văn phòng (Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc).
Khái niệm Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán
Đại sứ quán
ĐSQ là cơ quan đại diện ngoại giao của một quốc gia trên lãnh thổ của quốc gia khác khi hai nước này có quan hệ ngoại giao với nhau. ĐSQ sẽ luôn được đặt tại thủ đô của nước sở tại và thực hiện các chức năng hoạt động liên quan đến lĩnh vực như chính trị, quân sự, kinh tế…
Tổng lãnh sự quán
TLSQ là cơ quan đại diện lãnh sự của một quốc gia trên một bộ phận lãnh thổ của quốc gia khác. Cơ quan này sẽ được thiết lập sau ĐSQ và có mặt tại thành phố lớn của quốc gia đó.
Chức năng chính của các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Việt Nam
Dù TLSQVN có phạm vi hoạt động hẹp hơn so với ĐSQVN, các vấn đề chủ chốt vẫn có thể được giải quyết ở cả 2 cơ quan này bao gồm:
1. Quảng bá hình ảnh của đất nước và thúc đẩy giao lưu văn hóa với nước ngoài:
ĐSQVN chịu trách nhiệm phát triển quan hệ thương mại, kinh tế, văn hoá, khoa học. Đại sứ quán sẽ chia sẻ thông tin về văn hóa, du lịch và kinh tế của nước nhà thông qua các sự kiện mà công dân của cả hai nước đều có thể tham gia. Mục đích chính của việc này là củng cố mối quan hệ ngoại giao và và thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đây cũng là cơ hội tốt để kết nối cộng đồng người Việt với người dân địa phương. Khi đi du học, bạn nên chủ động tham gia các sự kiện văn hóa này để tạo dựng mối quan hệ và giao lưu với người bản địa.
2. Cung cấp thông tin liên lạc cho công dân Việt Nam ở nước ngoài:
ĐSQVN phụ trách việc thông báo tin tức về an sinh xã hội, bầu cử, việc làm, các hiệp ước về văn hóa và thương mại giữa hai quốc gia.
3. Xử lý giấy tờ và tư vấn thủ tục cần thiết cho công dân Việt Nam ở nước ngoài:
Phổ biến nhất là trường hợp cấp và gia hạn hộ chiếu khi hết hạn hoặc mất cắp. Bạn chỉ cần đến trụ sở ĐSQVN và điền vào các giấy tờ cần thiết để được cấp hộ chiếu mới. Ngoài ra, ĐSQVN còn hỗ trợ xử lý các giấy tờ liên quan đến thẻ căn cước cá nhân, giấy khai sinh, giấy chứng tử, đăng ký kết hôn và ly hôn ở nước ngoài, gia hạn bằng lái hoặc cấp giấy phép lái xe tạm thời và công chứng tài liệu. Đại sứ quán cũng được quyền cấp thị thực hoặc các giấy tờ thích hợp cho những người nước ngoài muốn đến Việt Nam.
4. Đảm bảo quyền lợi và an ninh cho công dân Việt Nam ở nước ngoài:
ĐSQVN cung cấp viện trợ và đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, nhất là các trường hợp thiên tai hoặc rủi ro không mong muốn. Đại sứ quán sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ bạn và thông báo cho người thân ở quê nhà khi bạn gặp các vấn đề trên. Nếu cần hỗ trợ về y tế, ĐSQ có thể giúp bạn liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng. Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ là người thanh toán mọi chi phí.
Trong trường hợp bạn được thừa kế di sản trên lãnh thổ nước sở tại và gặp chút vấn đề liên quan đến quyền lợi, bạn có thể tìm đến ĐSQVN để Bảo vệ theo luật và quy định của nước đó.
Ngoài ra, đối tượng vị thành niên Việt Nam ở nước ngoài và những người bị hạn chế năng lực luôn được ưu tiên bảo vệ quyền lợi. Trong một số tình huống khẩn cấp, ĐSQ còn có thể cung cấp khoản chi phí hỗ trợ cho nhóm đối tượng thành niên hàng tháng hoặc bố trí sự giám hộ.
5. Hỗ trợ giáo dục cộng đồng:
ĐSQVN sẽ cung cấp các thông tin liên quan nhằm hỗ trợ hoạt động giáo dục của cộng đồng người Việt ở nước ngoài như các chương trình học bổng cho bậc trung học, đại học hay một số học bổng giáo dục khác.
6. Đem đến cơ hội việc làm:
Tương tự như những cơ quan chính phủ khác, Đại sứ quán cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân sự nên bạn hoàn toàn có thể thử sức và tìm kiếm cơ hội tại đây sau khi tốt nghiệp. Được làm việc tại một cơ quan chính phủ Việt Nam ở nước ngoài ắt hẳn sẽ đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm lý thú và quý báu.
Những dịch vụ các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Việt Nam không hỗ trợ
-
Không giúp chi trả các hóa đơn của bạn như chỗ ở, thực phẩm, giao thông vận tải, các khoản nợ,….
-
Không cung cấp công việc hoặc giấy phép làm việc ở nước ngoài.
-
Không thể thay đổi quyết định của chính phủ nước ngoài khi bạn bị từ chối nhập cảnh.
-
Không thể gia hạn thời gian lưu trú của bạn ở nước ngoài.
-
Không che giấu tội phạm.
-
Không châm chước xử lý các trường hợp hồ sơ thiếu hợp lệ.
-
Không có chức năng bảo lãnh.
-
Không cung cấp vé máy bay để bạn quay về nước.
-
Không có chức năng của một đại lý du lịch, hãng hàng không hay ngân hàng.
-
Không cho phép bạn tham gia bầu cử khi vẫn đang sinh sống và học tập ở nước ngoài. Nếu bạn muốn tham gia bầu cử thì phải quay về Việt Nam.
Tạm kết
Trước khi lên đường du học, bạn cần tìm hiểu địa chỉ của đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Việt Nam tại quốc gia bạn sẽ đến sinh sống và học tập. Các ĐSQ thường có văn phòng lãnh sự trong trường hợp Việt Nam không đặt TLSQ ở đất nước đó. Tốt nhất thì bạn nên lưu lại thông tin liên lạc của TLSQVN trong điện thoại hoặc ở nơi dễ thấy nhất để có thể dùng đến khi cần thiết, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp.
Bài viết được chỉnh sửa bởi Marilyn Giang Nguyen vào ngày 22 tháng 6 năm 2023.