Thông tin du học
Du học nước ngoài: CHUẨN BỊ LÊN ĐƯỜNG

Ts. Phương Mai: “Không đi rêu bám đầy mình thì dạy cho ai nghe?”

13.3K
share image

Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan) là một trong những giảng viên có cá tính mạnh mẽ trong tác phong sư phạm lẫn đời sống. Hai năm trước, cô đã thực hiện chuyến du hành “theo dấu vết di cư của loài người” trải rộng qua bốn châu lục châu Phi, châu Úc, châu Á, châu Mỹ. Và mới đây, cô vừa trở về từ chuyến hành trình xuyên biên giới 13 nước Trung Đông. 

 

Bài phỏng vấn là những chia sẻ của cô xoay quanh nghiệp sư phạm (cụ thể là các ngành nghiên cứu, ứng dụng đa văn hóa). Các bạn có thể đọc những bài báo của cô tại Culturemove.

 

 

Chào cô, cám ơn cô đã đồng ý lời mời phỏng vấn với Hotcourses Việt Nam. Trước hết xin mời cô giới thiệu về ngôi trường (Amsterdam University of Applied Sciences) nơi cô đang công tác.

 

Tôi hiện đang dạy tại Amsterdam University of Applied Sciences, khoa Quản Lý Doanh Nghiệp Quốc Tế (International Business Management Studies).

 

Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ và một số nước khác ở Tây Âu có hai hệ thống Đại Học, một là Đại Học hàn lâm nặng về nghiên cứu, hai là Đại Học ứng dụng, nặng về thực hành. Trường tôi dạy thuộc loại thứ hai.

 

 

Được biết trước khi sang Hà Lan gắn bó với nghiệp giáo viên, cô đã “khởi nghiệp” với tư cách là một nhà báo. Tại sao cô lại quyết định đổi nghề?

 

Tôi bắt đầu viết truyện viết báo từ năm 15 tuổi, năm 23 tuổi trở thành nữ Thư Ký Tòa Soạn (chủ bút) trẻ nhất Việt Nam. Trong lúc tôi đầy tự tin và hớn hở với một học bổng của viện Báo chí thế giới (World Press) tại Mỹ thì bất ngờ bị tiếng sét ái tình đánh gục. Chàng là người Hà Lan, sinh viên năm cuối tò te. Thế là tôi bỏ học bổng báo chí cắm đầu thi lấy một học bổng khác về giáo dục ở Hà Lan để được gần chàng. Nói thật chứ lúc đó trúng cái gì là gật cái đó, được học bổng nghiên cứu về … phân bón cũng ừ chứ đừng nói là giáo dục. Yêu rồi mà!

 

 

Kinh nghiệm làm báo đã có những ảnh hưởng gì đến công việc làm giảng viên chuyên ngành Giao tiếp liên văn hóa của cô?

 

Kinh nghiệm làm báo khiến những bài giảng của tôi nhiều chuyện để nói hơn. Kinh nghiệm cầm bút khiến tôi viết các bài nghiên cứu hàn lâm cũng nhanh hơn. Kinh nghiệm chẳng bao giờ thừa, nó như nguyên liệu để xây nhà vậy, hoặc là ý tứ ẩn mình như lớp gạch đá xi măng dưới nền móng, giấu kỹ đến nỗi chính chúng ta đôi khi cũng khó nhận ra. Hoặc là nó lộ liễu phơi bày ra như mấy lớp vữa vôi ve, nhìn qua ai cũng biết. Nhưng tựu chung lại, tôi nghiệm thấy những cái tôi học được chẳng vãi đi đâu bao giờ.

 

 

Xin mời cô giới thiệu cụ thể về chuyên ngành Giao Tiếp liên Văn hóa (Intercultural Communication) và các bộ môn cô trực tiếp đứng lớp ở trường (nếu có).

 

Các ngành nghiên cứu và ứng dụng đa văn hóa bắt đầu từ cách đây khá lâu, khoảng những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, chỉ cho đến khi Internet bùng nổ và thế giới bắt đầu dịch chuyển mạnh mẽ với các mạng lưới kinh tế, chính trị và giáo dục toàn cầu thì văn hóa và các hệ quả văn hóa mới được thực sự chú ý. Sự chú ý này khởi điểm bằng sự lo lắng. Khoảng 10-15 năm trước, ai cũng lo lắng toàn cầu hóa sẽ biến thế giới thành một nồi lẩu thập cẩm với các giá trị văn hóa địa phương bị tiêu diệt và văn hóa Âu-Mỹ trở thành bá chủ.

 

Tuy nhiên, 15 năm sau, chúng ta đang dần dần nhận ra rằng mối lo chính không phải là văn hóa hội tụ hay văn hóa thống trị mà là sự xung đột của các giá trị văn hóa khác nhau. Chúng ta học được một bài học thích đáng rằng, khi các giá trị văn hóa va chạm nhau, tính cách và đặc thù văn hóa không bị pha trộn mà ngược lại, trở nên xung đột mãnh liệt.

 

Theo nhiều thống kê, 40% các chuyên gia không hoàn thành nhiệm vụ của mình khi được gửi đi công tác ở nước ngoài vì không hiểu biết về văn hóa của nước sở tại chứ không phải vị họ kém cỏi. Điều này thể hiện từ những việc nhỏ như phương pháp củng cố team work, cách thức đàm phán, ký hợp đồng, tạo dựng lòng tin, quảng cáo sản phẩm… hay những việc lớn hơn như hoạch định chính sách và quản lý nhân sự. Rất nhiều hãng lớn đã bắt đầu đưa các bài kiểm tra kỹ năng đa văn hóa vào quá trình tuyển dụng và đề bạt.

 

Những khóa đào tạo tôi thường xuyên hợp tác nhất là với các công ty đa quốc gia có nhu cầu gửi chuyên gia đi nước ngoài làm việc. Ngoài ra tôi cũng thường đào tạo các chuyên gia giáo dục hoặc các giáo viên để họ có thể thiết kế và xây dựng các bộ khung sách giáo khoa, chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với bối cảnh văn hóa và lịch sử của đất nước mình. Gần đây tôi cũng thường được mời đi đào tạo ngắn cho các em sinh viên ngoại quốc mới nhập học để họ có thể nhanh chóng hiểu được cách làm việc và lối tư duy ở môi trường mới. 

 

 

Đối với những học sinh trong nước muốn theo đuổi ngành Truyền thông, Hà Lan có phải là một điểm đến du học lí tưởng, theo kinh nghiệm của cô?

 

Tôi không có nhiều kinh nghiệm về Truyền Thông (Media), nhưng về ngành Intercultural Communication (IC) thì đây là một môn học mới, gần như chỉ được đưa vào các khóa Kinh tế, Truyền thông hoặc Giáo dục vài năm trở lại đây. Việc theo đuổi IC với tư cách là một ngành học chuyên sâu thì chỉ có các khóa thạc sĩ. Mỹ và Hà Lan là hai cơ sở tốt. Hai trong số 3 “ông tổ” của ngành này là người Hà Lan.

 

Có thể giải thích rằng do người Hà Lan từ xa xưa đã giỏi buôn bán. Là một quốc gia nhỏ nhưng Hà Lan từng có hạm đội tàu buôn hùng mạnh sánh vai Anh, Bồ, khai phá và chiếm lĩnh nhiều vùng đất đai từ châu Mỹ qua Phi tới tận châu Á và châu Đại Dương: Indonesia, Curacao, Surinam, Nam Phi… New York từng có tên là New Amsterdam do đây từng là thuộc địa của Hà Lan. Úc từng có tên là New Holland do người Hà Lan đặt chân lên đây đầu tiên. New Zealand thực ra được người Hà Lan “khai phá” và đặt tên theo một tỉnh của nước mình (Zeeland). Ở Hà Lan ngoài tiếng bản địa ai cũng nói tiếng Anh và tiếng Đức thông thạo. Đến con chó của bạn tôi cũng hiểu tiếng Anh (!!!) Tôi kêu nó “Go away!” thế là nó cụp đuôi đi thẳng. 

 

 

Từng làm việc với các bạn học sinh sinh viên trong và ngoài nước, cô có thể đưa ra một số cảm nhận về sự giống và khác nhau giữa các học trò của mình?

 

Tôi chưa có hân hạnh được làm việc với các bạn sinh viên Việt Nam. Nhưng nếu so sánh với các sinh viên châu Á thì sinh viên châu Âu tất nhiên là được đào tạo bài bản hơn. Họ có nhiều lợi thế hơn do cách giảng dạy ở châu Âu mang nặng yếu tố tự lập và đối đầu. Các sinh viên châu Á của tôi thường nhút nhát, tiếng Anh kém. Phải rất mất nhiều thời gian mới nhận ra được điểm mạnh của họ. Sinh viên châu Á thường nổi bật ở các môn tự nhiên vì không phải tư duy nhiều về ngôn ngữ.

 

 

Theo cô, môi trường giáo dục phương Tây có những điểm cộng/trừ nào mà nước mình nên học hỏi (hoặc không)?

 

Câu này vừa khó vừa cần phải viết dài, có lẽ để dịp khác. Nhưng để có một ý ngắn gọn thì cái cộng lớn nhất mình phải học Tây là việc hạn chế tối đa sự gian trá trong kiến thức và bằng cấp. Cái trừ lớn nhất của Tây là việc coi giáo dục gần với một ngành kinh tế. Trường tôi hiện đang có một sinh viên kiện ra tòa. Lý luận của cậu ta là: “Nếu các ông bà là giáo viên giỏi thì tôi đã không bị điểm kém”. 

 

 

Có một du học sinh Việt tại trường Amsterdam University of Applied Sciences cho biết rằng tên của cô thường xuyên được nhắc đến trên bảng thông báo của trường vì lí do cô rất hay vắng mặt. Vậy những lúc đó cô đang ở đâu?

 

Tôi thường xin nghỉ việc để tham gia vào các dự án nghiên cứu nho nhỏ của mình. Hai năm trước tôi làm một chuyến du hành theo dấu vết di cư của loài người từ cái nôi của nhân loại ở châu Phi, qua châu Úc, châu Á rồi tới châu Mỹ. Tôi vừa trở về từ chuyến đi tới 13 nước Trung Đông thời kỳ đỉnh cao của Mùa Xuân Ả rập. Nghề của tôi là phải đi, không đi rêu bám đầy mình thì dạy cho ai nghe?

 

 

Xin mời cô chia sẻ đôi lời về CultureMove, những chuyến đi đã thực hiện và một số dự định “tung hoành” sắp tới.

 

CultureMove.com là đứa con tinh thần của tôi. Đó là nơi tôi viết lên những suy tư trăn trở và đăng những bài báo của mình. Về mặt kinh tế, CultureMove đưa tôi đến với một bộ phận doanh nghiệp và lãnh đạo tư vấn giáo dục thực sự muốn theo đuổi thành công và nhìn thấy ở tôi tiềm năng có thể giúp họ thành công.

 

Cái tên CultureMove được triết từ câu: “Legs that move feel the chains” (Chân không đi làm sao biết mình bị xích xiềng). Triết lý này xuất phát từ việc người ta đào tạo những chú voi rừng thành voi nhà: Ban đầu, những chú voi hoang được thuần hóa bằng cách bị xích vào một sợi dây dài khoảng 30m với một cái cột. Chú voi chỉ dịch chuyển trong bán kính 30m đó thôi. Cho đến khi người ta bỏ sợi xích đó ra thì con voi đó đã quá quen với cái vòng tròn bán kính 30m đó rồi, nó sẽ không đi đâu nữa.

 

Không di chuyển bạn sẽ không biết được mình có một cái xích buộc vào chân, và chỉ khi nào bạn di chuyển thì mới biết được mình thực ra đang bị (hoăc tự) bó buộc. Trên thực tế, ai cũng chịu một sự bó buộc nào đó, chỉ có điều người nào ý thức được điều này sẽ cố gắng làm cho sợi xích của mình dài ra hết mức có thể.

 

 

Cuối cùng, Hotcourses mong nhận được chia sẻ của cô về người thầy đã để lại nhiều ấn tượng trong cô nhất ở thời du học.

 

Người thầy ấn tượng nhất không trực tiếp dạy tôi, nhưng tôi nghe nói vào đầu khóa học ông tuyên bố với sinh viên là ai cũng sẽ được điểm 8: “Nào, các anh các chị không phải lo về điểm số nữa nhé. Bây giờ chỉ còn mỗi một việc học cho ra trò thôi!”

 

Cám ơn cô đã đồng ý trả lời phỏng vấn và chúc cô thiệt nhiều niềm vui.

 

Không thể bỏ lỡ

article Img

7 bài học cuộc sống xa nhà sẽ dạy bạn

Rời khỏi ngôi nhà thân yêu để sống một mình ở một vùng đất xa xôi là điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, những bài học từ cuộc sống xa nhà sẽ giúp bạn trưởng thành hơn mỗi ngày.    Bạn nhận ra rằng mình quan tâm đến gia đình nhiều hơn mình nghĩ     Đi du học, bạn hẳn đã có những lúc tiếc nuối vì trước đây dành ít thời gian hơn cho gia đình. Bạn tự nhiên nhớ những món ăn mẹ nấu. Những lúc chùn chân mỏi gối,

97.7K
article Img

Chuẩn bị vali đi du học: Bạn nên và không nên mang gì?

Đi du học cần mang theo những gì là câu hỏi mà bất cứ ai cũng băn khoăn trước khi lên đường. Bài viết này sẽ chỉ rõ những vật dụng cần thiết mà bạn nên mang theo cũng như những thứ không nên chiếm quá nhiều không gian trong hành lý du học của bạn. Hãy cùng Hotcourses Vietnam soạn ra 1 (hoặc 2) chiếc vali vừa tối giản vừa hữu dụng cho chuyến hành trình đặc biệt này nhé!   Những món nên mang khi đi du học Thực ra món bạn cần mang theo

24.6K
article Img

12 ứng dụng hữu ích cho du học sinh

Quản lý chi tiêu? Ghi chép? Học bài? Viết luận? 12 ứng dụng này sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn!   1. Microsoft Office Lens  CH Play - App Store Ứng dụng của Microsoft, Office Lens, giúp bạn quét và chụp các tài liệu, bảng đen, tạp chí, hoặc biên lai, sau đó chuyển đổi chúng thành văn bản có thể chỉnh sửa và chia sẻ dưới định dạng pdf, word, hoặc hình ảnh.  Khi quét ảnh hoặc tài liệu, Office Lens cung cấp

8.8K
article Img

Những điều cần chuẩn bị trước khi đi du học

Sau hàng tháng trời chuẩn bị hồ sơ du học, trao đổi thư từ để cuối cùng nhận được lời mời từ ngôi trường mơ ước, bạn cảm thấy nhẹ nhõm và chỉ còn đợi ngày lên đường. Nhưng đợi đã, sinh sống và học tập ở một đất nước xa lạ không phải điều đơn giản. Vậy đi du học cần chuẩn bị những gì? Hãy xem qua hướng dẫn dưới đây và đảm bảo bạn đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trước khi lên đường nhé!   1. Giấy tờ quan trọng Thứ quan trọng nhất bạn cần chuẩn

6.5K