Thông tin du học Singapore
Singapore: ĐIỂM TIN DU HỌC

Nhân chuyện du học sinh Việt bị phạt tù và 4 roi vì ở lại Singapore bất hợp pháp…

Du học sinh việt Nam ở lại Singapore bất hợp pháp…

... Hotcourses Vietnam sẽ giúp bạn hiểu hơn về tên gọi “The Fine City”, thành phố “Phạt” với biểu tượng cây Roi Mây, cũng như lại gần những nét tính cách đã thành nguyên tắc sống của người Sing. Bài viết chia sẻ góc nhìn của Hồng Quế, người đã có kinh nghiệm sinh sống và làm việc tại Singapore trong nhiều năm.

 

>> Du học Singapore: 5 điều cần biết

 

Bài học của công dân Dang Nguyen Sinh Nhat

 

Theo Yahoo News Singapore, một công dân Việt Nam có tên Dang Nguyen Sinh Nhat hôm 23/2/2019 đã ra trình diện tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA) sau khi ở lại nước này bất hợp pháp suốt 10 năm qua.

 

Theo đó, người này đã được cấp visa sinh viên (Student Pass) để sang Singapore du học ngành khiêu vũ tại Học viện Nghệ thuật Nanyang (NAFA). Đến tháng 4/2008, NAFA yêu cầu ICA hủy visa du học của sinh viên này vì không đủ khả năng tài chính để đóng học phí. Tuy nhiên, thay vì rời Singapore sau khi hết hạn visa (mặc dù đã được ICA gia hạn visa tạm trú một vài lần cho đến thời hạn cuối cùng vào tháng 7/2018), Dang Nguyen Sinh Nhat vẫn không xin gia hạn hoặc rời khỏi đảo quốc sư tử mà tiếp tục ở lại trái phép tổng cộng 10 năm, 7 tháng và 22 ngày.

 

Với tội trạng trên, người này đã bị kết án 5 tháng tù và 4 roi. Báo Zing cho hay, với hình phạt roi, phạm nhân sẽ được báo trước thời điểm thi hành án cũng như được giám định sức khỏe nhằm đảm bảo có đủ thể lực để chịu đòn. Người thực thi hình phạt - thường là các võ sư đã qua tuyển chọn và huấn luyện - khi thực thi án phạt sẽ dung cây roi dày 1.27cm, dài 1.2m đánh vào mông của phạm nhân, với tốc độ đầu gậy có khi lên tới 160km/h.

 

Trên thực tế, những người lãnh từ ba roi trở lên sẽ trải qua trạng thái đau đớn, gặp khó khăn nhất định trong việc vệ sinh, nằm ngồi, cũng như phải mất từ một tuần đến bốn tuần để vết thương hồi phục.

 

Thành phố “Phạt”, biểu tượng cây Roi Mây và nguyên tắc “Làm đúng luật!”

 

Khi nghe đến chuyện về hình phạt “roi vọt” này, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ, nhưng với du học sinh Việt Nam tại Singapore, cây roi mây còn là biểu tượng thân thuộc của thành phố được mệnh danh là “The Fine City” – thành phố “Phạt”.

 

Ở Singapore có một nguyên tắc phải nhớ là “Làm đúng luật”! Nơi nào cũng có CCTV (camera ẩn) theo dõi, nên bạn đừng nghĩ, thôi không có ai mình cứ làm bừa, chẳng ai biết.

 

Nếu bị bắt lỗi vi phạm, bất kì ai cũng sẽ phải chịu phạt và tuyệt đối không bao giờ có ngoại lệ, cho dù đó là con cháu thủ tướng hay nhân vật tầm cỡ tiếng tăm nào. Ai làm sai, cứ đúng luật mà xử.

 

Điều này từng gây tranh cãi nhiều trên báo chí trong nước lẫn quốc tế về phương diện chính trị, xã hội, nhân quyền. Năm 2015, hai du khách người Đức Andreas Von Knorre và Elton Hinz cũng đã bị tuyên phạt 9 tháng tù giam và 3 roi mỗi người vì đột nhập vào nhà ga bảo dưỡng tàu điện ở Singapore rồi xịt sơn lên toa tàu. Hay chính công dân Singapore, một binh sĩ tên Dave Teo Ming, cũng từng “lãnh” 18 roi do tội ăn cắp súng trong khi làm nhiệm vụ hồi năm 2008.

 

Tòa án tối cao Singapore

 

Vì thế, đi đâu cũng phải để ý nhé, ngoài những quy định quá rõ ràng như không xả rác, khạc nhổ ngoài đường, bạn cũng phải chú ý đến những việc như:

 

  • Không được ăn uống, hút thuốc từ chỗ ga chờ và trên MRT hay trên Bus (tuy nhiên khu chờ Bus tới có thể ăn uống được)

  • Không được cho bồ câu ăn, sẽ bị phạt từ 500-1000$ đấy. Vì người Sing họ rất quan trọng vấn đề môi trường, hành động nhỏ đấy sẽ dẫn đến việc bùng nổ số lượng loài bồ câu và những gì chúng thải ra sẽ rất ô nhiễm…

 

Có lẽ nghiêm túc chấp hành luật thế, nên Singapore phát triển rất văn minh và đồng đều. Người dân ở đây rất tự hào khi nói rằng “Chúng tôi rất biết ơn ông Lý Quang Diệu, nhờ có ông mà người dân đã bỏ các tật xấu, cùng giữ gìn thành phố sạch và xanh”

 

Đơn cử như việc sau 10 giờ tối, các cửa hàng, siêu thị đều bị cấm bán đồ uống có cồn, điều này không phải được toàn dân đồng lòng ủng hộ, nhưng họ làm vậy để đảm bảo sự an toàn cho những ai ra đường vào ban đêm.

 

>> 3 nét văn hóa đặc trưng của người Singapore

 

Và để chuẩn bị cho chuyến du học Singapore nói riêng và ở bất kì điểm đến du học nào khác trên thế giới được thuận lợi, mình nghĩ quan trọng nhất là phải tìm hiểu để nắm rõ luật pháp cũng như các phong tục đời sống của người dân bản xứ - đúng như trong câu nói “Nhập gia tùy tục” mà ông bà ta đã dạy. Dưới đây là một số nguyên tắc sống phổ biến mình đã đúc kết trong quá trình sinh sống ở Sing:

 

  • Xứ sở tiết kiệm

 

Vì sao Singapore giàu? Vì họ tiết kiệm. Vậy thôi. Đó là văn hoá, từ trong lớp học, đến công sở, đến ở nhà, họ tiết kiệm mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi có thể. Dù là chỉ vài xu nhưng để chi tiêu khôn ngoan hơn, họ vẫn sẽ làm. Những bảng thông báo tiết kiệm điện, nước, được đặt mọi nơi ở Singapore. Họ nhạy cảm đến nỗi, chỉ cần bạn quên, lãng phí là sẽ bị mắng gay gắt về việc lãng phí.

 

  • Singlish là có thật

 

Vấn đề này được đề cập rất nhiều rồi, và cũng không biết làm sao mình bị nhiễm luôn sau mấy năm sống ở đây. Vấn đề là phải nói vậy, họ mới hiểu và hoà nhập nhanh, không thì nghe mình như đang diễn làm “ang-mo”, người nước ngoài theo cách họ gọi. Singlish bao gồm cả tiếng Malay, tiếng Anh, tiếng Hoa, trộn vào nhau, giống như Rojak (món ăn vặt yêu thích của các bạn trẻ). Nó vừa là đặc sản, vừa là cái mình không thích. Thực tế là Singlish là hiện tượng phổ biến trong đời sống, ở môi trường giáo dục thì đỡ hơn, nhưng không phải thầy cô giáo nào cũng phát âm cực chuẩn giọng Anh-Mỹ.

 

  • Văn hoá tín ngưỡng, nhiều luật lệ

 

Được mệnh danh là “Fine City” thì hiểu là ở Singapore nhiều luật lệ thế nào. Nhưng đi vào lịch sử phát triển mới biết, nếu không có luật lệ thì không có Singapore xanh sạch đẹp hôm nay. “No pain, no gain” mà! Họ cũng còn nhiều tín ngưỡng lắm, nên nếu ở nhà thuê thì phải cận thẩn hỏi tập tục thế nào để biết cách cư xử, cả các công ty bản địa cũng vậy.

 

  • Tinh thần tự tôn dân tộc

 

Người Sing họ rất tự hào họ là người Sing, thông minh, tài giỏi và… sang chảnh. Do đó nhiều người nước ngoài ở Sing ít nhiều sẽ cảm thấy rất khó chịu với lối nghĩ “mình là cái rốn của vũ trụ”. Đôi khi bạn còn cảm nhận được sự kì thị, cô lập trong môi trường công sở. Nếu rơi vào hoàn cảnh đó, hãy chứng minh cho họ việc mình đến từ đâu không quan trọng, quan trọng là thực lực. Khi bạn làm được việc rồi, họ sẽ nhìn bạn với con mắt khác. Ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, nhưng hiểu về tính cách “tự hào dân tộc” của họ, để mình ứng xử khéo léo thì sẽ dễ dàng hơn cho mọi việc.

 

  • Cạnh tranh, áp lực, nhịp sống nhanh, xa cách

 

Giá sinh hoạt đắt đỏ tạo ra môi trường sống rất cạnh tranh và áp lực. Những em nhỏ từ tiểu học đã phải cạnh tranh nhau để giỏi nhất, không thua kém ai, nên trong môi trường công sở, thực trạng này càng thêm khốc liệt. Tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, nên để xin được việc ở Singapore bây giờ không dễ dàng nhiều nữa so với trước đây. Nhịp sống nhanh như vậy, cuốn theo công việc rất bận một ngày, bạn chỉ muốn được nghỉ ngơi cuối tuần. Bạn bè không gặp nhau 2-3 tháng là bình thường. Nhìn chung cuộc sống sau giờ làm của nhân viên công sở tại Singapore không được phong phú như ở Việt Nam.

 

Nhưng sau tất cả, một khi đã “bắt” được nhịp sống bản địa và chứng minh năng lực của bản thân, cũng như kết nối cho mình những mối quan hệ gắn kết với bạn bè, đồng nghiệp, bạn sẽ sớm nhận ra Singapore chính là ngôi nhà thứ 2, và là nơi một khi rời xa vẫn sẽ khiến bạn nhớ về - bởi đó là nơi đã giúp bạn trưởng thành trong công việc lẫn đời sống.