Thông tin du học Nhật Bản
Nhật Bản: CHUẨN BỊ LÊN ĐƯỜNG

Chọn con đường nào để đến với một khóa học cử nhân tại Nhật?

Lựa chọn du học Nhật Bản

Có nhiều con đường du học Nhật Bản, chẳng hạn thông qua một khóa học tiếng, thi vào đại học tại Nhật, học lên từ khóa học nghề, hay học chuyển tiếp từ một chương trình liên thông ở Việt Nam… Tùy vào cách bạn đi du học mà yêu cầu chương trình học, thủ tục visa, cũng như chi phí trang trải cho cuộc sống ở Nhật Bản sẽ ít nhiều khác biệt. Trong bài viết dưới đây, cùng Hotcourses Việt Nam phân tích những điểm cộng và trừ của 3 con đường du học Nhật Bản phổ biến nhất.

 

>> Các ngành mà bạn có thể theo đuổi ở bậc Đại học tại Nhật

 

Phương án 1: Đến Nhật Bản qua một khóa học tiếng tại trường Nhật ngữ

 

Nếu đi con đường này, bạn sẽ đến xứ sở hoa anh đào học tiếng Nhật trong trường Nhật ngữ hoặc thông qua các khóa học tiếng được tổ chức bởi các trường đại học, cao đẳng tư thục.

 

Lợi thế lớn nhất khi đến Nhật Bản học tiếng là bạn có từ 6 tháng đến 2 năm để trau dồi Nhật ngữ. Học tập và sử dụng hàng ngày cùng người bản xứ sẽ giúp bạn phát triển khả năng tiếng Nhật nhanh chóng. Với dự định vào đại học hoặc ở lại tìm việc, quãng thời gian học tiếng tại Nhật như một bước đệm giúp bạn khám phá và làm quen với cuộc sống nơi đây. Thêm vào đó, việc tìm trường đại học cũng dễ dàng, nhanh chóng, và nhiều lựa chọn hơn so với đăng ký và gửi hồ sơ trực tiếp từ Việt Nam.

 

Tất nhiên 6 tháng đến 2 năm tại Nhật chắc chắn tiêu tốn thời gian và chi phí so với học tiếng Nhật ở trong nước. Một điểm quan trọng khác cần lưu ý đó là việc tốt nghiệp trường Nhật ngữ không đảm bảo một suất học đại học hay một công việc tại Nhật. Nắm chứng chỉ tiếng Nhật trong tay chỉ là điều kiện đủ. Điều kiện cần để học lên cao hay đầu quân cho một công ty Nhật là chứng chỉ hành nghề, năng lực học tập, hay kinh nghiệm làm việc – và dĩ nhiên những điều này không thể đạt được qua một khóa học tiếng.

 

Sau cùng, thời gian tối đa bạn được phép ở lại Nhật theo hình thức du học này là 2 năm. Bạn buộc phải về nước nếu thất bại trong kỳ thi tuyển sinh đại học của Nhật hay không tìm được việc làm sau khi thời hạn trên kết thúc.

 

 

Phương án 2: Nộp hồ sơ ứng tuyển tại Việt Nam và đến Nhật dự thi

 

Chọn con đường này, bạn sẽ đăng ký vào một trường đại học Nhật khi còn ở Việt Nam. Khi nhận được giấy báo, bạn sẽ đến Nhật tham gia kì thi đại học, rồi lại trở về Việt Nam đợi kết quả và làm thủ tục nhập học trong trường hợp trúng tuyển.

 

Với phương án 2, khoảng thời gian từ khi nhập cảnh vào Nhật Bản cho đến khi tốt nghiệp đại học ngắn hơn hẳn so với chọn học một trường tiếng ở Nhật, cho phép bạn tiết kiệm từ 6 tháng đến 2 năm chi phí sinh hoạt và học phí học trường tiếng. Việc bạn trở về Việt Nam trong lúc đợi kết quả thi đại học tại Nhật cũng sẽ tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ. Trong trường hợp không vượt qua kỳ thi, bạn hoàn toàn có thể đợi cơ hội tiếp theo mà không phải lo gánh nặng tài chính là chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Nhật. Nếu sắp xếp thời gian hợp lý và xuất sắc được nhận vào học ngay trong lần đầu tiên nhập cảnh Nhật Bản dự thi đại học, bạn hoàn toàn có thể thay đổi trạng thái visa thành “du học sinh” và không cần trở về nước.

 

Để thực hiện kế hoạch trên yêu cầu bạn phải có vốn tiếng Nhật cực kì chắc. Điều này đòi hỏi không dưới một năm ôn tập và chuẩn bị kỹ lưỡng. Thêm vào đó, bạn cũng cần lên kế hoạch sớm từ trước kì thi 6 tháng đến 1 năm để kịp đặt vé máy bay và gửi hồ sơ dự tuyển đi các trường đại học. Nếu ngôi trường bạn nhắm đến không nhận hồ sơ từ nước ngoài, bạn cần phải nhờ bạn bè, người thân ở Nhật làm hồ sơ và gửi hộ. Trong trường hợp phải thi cùng lúc cả kỳ thi EJU và kỳ thi đại học, rất có thể bạn phải thực hiện các chuyến bay đi và về Nhật Bản nhiều lần, khiến chi phí vé máy bay khứ hồi và phí lưu trú tại Nhật tăng lên đáng kể. Bạn có thể tham khảo bài viết một số lưu ý khi nộp hồ sơ vào đại học Nhật Bản để có sự chuẩn bị tốt nhất.

 

Phương án 3: Nhập học vào một chương trình cử nhân trước khi đặt chân đến Nhật

 

Một số trường cao đẳng hoặc đại học Nhật Bản cho phép sinh viên quốc tế ghi danh kể cả nếu họ thực hiện kì thi EJU ngoài lãnh địa Nhật Bản. Cũng có không ít cơ sở giáo dục Nhật chỉ yêu cầu học bạ trong hồ sơ đăng ký mà không cần kết quả thi EJU. Thậm chí ngày càng nhiều đại học Nhật tổ chức các khóa học bằng tiếng Anh 100% để giảm rào cản ngôn ngữ và thu hút sinh viên quốc tế đến Nhật học tập. Nếu khóa học bạn dự định đăng ký thuộc một trong những trường đại học nêu trên, bạn hoàn toàn có thể nộp đơn tại Việt Nam mà không cần đặt chân đến Nhật.

 

So sánh với phương án số 1 và 2, thời gian tính từ lúc bạn nhập cảnh đến khi tốt nghiệp đại học ngắn hơn. Không mất từ 6 tháng đến 2 năm học tiếng tại Nhật, và không tốn vé máy bay đi lại giữa 2 quốc gia như phương án 2, đây chắc chắn là cách làm tiết kiệm tiền bạc và thời gian nhất trong 3 con đường du học Nhật Bản được đề cập trong bài.

 

Dù vậy, giống như phương án 2, bạn vẫn cần thành thục tiếng Nhật tại quê nhà trước khi đăng kí vào đại học Nhật Bản. Số lượng trường chấp nhận sinh viên quốc tế đăng ký không cần kết quả EJU và có khóa học tiếng Anh dù có xu hướng tăng nhưng vẫn còn hạn chế, vì vậy bạn không có nhiều lựa chọn về trường học và chuyên ngành được theo học tại Nhật.

 

 

Vậy, chọn cách đi nào trong 3 phương án trên?

 

Phương án 3 an toàn và tiết kiệm hơn cả nếu bạn đặt tấm bằng tốt nghiệp đại học Nhật và cơ hội ở lại làm việc lên hàng đầu. Phần lớn du học sinh Việt muốn sang Nhật Bản thường chọn hướng đi an toàn này, cùng với sự hỗ trợ của các anh chị du học sinh đi trước, thông tin đăng tải trên các trang mạng và nhất là sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn du học uy tín.

 

Trong khi đó, phương án 2 sẽ mang lại cho bạn nhiều lựa chọn trường học, và nếu tự tin với sức học và vốn tiếng Nhật của mình, bạn hoàn toàn có cơ hội được một trường đại học Nhật Bản tuyển sinh chỉ với một lần nhập cảnh.

 

Dù vậy Nhật ngữ là một ngôn ngữ khó và không phải ai cũng có thể kiên trì theo đuổi bất chấp những khó khăn gặp phải trong quá trình đăng ký du học từ Việt Nam. Nếu yêu văn hóa cũng như ngôn ngữ Nhật Bản và tìm kiếm trải nghiệm du học trong ngắn hạn, bạn sẽ không hối tiếc những tiền bạc và công sức bỏ ra nếu đi du học Nhật qua một khóa học ngôn ngữ ở phương án 1.

 

Nguồn: JPSS

Không thể bỏ lỡ

article Img

Một số lưu ý khi nộp hồ sơ vào Đại học Nhật Bản

Bạn là sinh viên quốc tế và muốn nộp đơn vào một trường đại học Nhật Bản nhưng chưa biết phải làm sao? Bài viết sẽ giúp bạn cách chuẩn bị hồ sơ du học Nhật Bản… Bắt đầu bằng “quyết định cuối cùng”   Quy trình nộp hồ sơ vào trường Đại học ở Nhật Bản sẽ diễn ra như thế này. Bước đầu tiên cũng như quan trọng nhất đó là tìm kiếm một chương trình mà bạn muốn học. Một khi đã có “quyết định cuối cùng”, hãy liên hệ với văn phòng quốc tế của trường để hoàn

17.3K
article Img

Nhật Bản: điểm đến du học nhiều thế mạnh

Nhật Bản hiện đang nổi lên như một điểm đến du học mơ ước của nhiều bạn trẻ Việt Nam, nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu được những thế mạnh giáo dục của cường quốc này?   >> Toàn cảnh du học tại các cường quốc châu Á   >> Bảng xếp hạng 100 Under 50: Đại học châu Á lên ngôi     Sở hữu những trường đại học hàng đầu     Nhật Bản sở hữu những trường đại học tốt nhất, với 5

16K
article Img

Khái quát về hệ thống giáo dục Đại học tại Nhật Bản

Bạn rất hứng thú với việc du học tại Nhật Bản nhưng chưa rõ hệ thống giáo dục ở đây được tổ chức như thế nào? Bài viết sẽ mang lại những thông tin cần thiết nhất về hệ thống giáo dục của đất nước mặt trời mọc.     Những con số biết nói về nền giáo dục Nhật Bản     Với hơn 200.000 sinh viên quốc tế và dự kiến đón thêm 100.000 sinh viên trước năm 2020, Nhật Bản trờ thành “vườn ươm“ của sinh viên quốc tế. Quốc

13K