Quyết định thu học phí đối với sinh viên quốc tế không thuộc EU và khối EEA theo học bậc sau cử nhân kể từ học kì mùa thu 2017 ở Phần Lan đã khiến số lượng hồ sơ đăng kí học tại các trường đại học nước này suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình hình dường như đang được cải thiện với số lượng hồ sơ đăng kí nhập học năm 2018 tăng mạnh trở lại. Vậy các trường Đại học nước này, cụ thể ở đây là trường hợp của đại học Helsinki, đã lật ngược “thế cờ” như thế nào?
>> 5 quốc gia châu Âu gần như miễn học phí năm 2018
Nhìn từ Đại học Helsinki
Theo thông tin từ Helsinki Times, kể từ kỳ nhập học mùa thu năm 2017, Đại học Helsinki, Phần Lan bắt đầu áp dụng mức học phí từ 13.000 đến 18.000 Euro cho các sinh viên bậc sau cử nhân đến từ các quốc gia ngoài EU và khối EEA. Mức học phí này tại các trường đại học khác dao động trong khoảng 4.000 đến 20.000 Euro/năm.
Trên thực tế, việc áp dụng chính sách đóng học phí thạc sĩ đã không gây khủng hoảng như giới chuyên gia nhận định. Nhu cầu của sinh viên quốc tế đăng kí học tại Đại học Helsinki đã có dấu hiệu phục hồi. Năm 2017, số lượng hồ sơ đăng kí học thạc sĩ tại Đại học Helsinki giảm 30% (1.606 hồ sơ). Tuy nhiên, số lượng này đã tăng 83% (so với 2017) lên mức 2.946 hồ sơ. Tỉ lệ trung bình số lượng hồ sơ sinh viên quốc tế không thuộc khối EU/ EEA là 59,1% trên tổng số ứng viên.
>> Tại sao du học tại Phần Lan?
Điều này được lý giải dựa trên chiến lược đầu tư dài hạn nhằm tăng số lượng hồ sơ đăng kí học của sinh viên quốc tế mà chìa khóa chính là cải cách chương trình học và cải thiện chất lượng khóa học. Theo đó, Đại học Helsinki đã tiến hành cải cách trên 100 ngành học, mở ra 32 văn bằng giảng dạy bằng tiếng Phần Lan và Thụy Điển cùng nhiều chương trình đa ngành, gắn liền thực tiễn được giảng dạy bằng tiếng Phần Lan, Thụy Điển và tiếng Anh. Những chương trình thạc sĩ dạy bằng tiếng Anh mới được đưa vào giảng dạy từ năm 2017 cũng có nhiều phương án ngành học hơn cho sinh viên lựa chọn.
Bên cạnh đó, trường còn thu hút sinh viên thông qua việc giới thiệu những chương trình học mới, tập trung vào những thách thức trọng yếu trên phạm vi toàn cầu.
Nhiều khóa học được cải tiến, nhu cầu học bổng tăng cao
Theo nhận định của các chuyên gia, sự thu hút trở lại của Đại học Helsinki có thể được lí giải nhờ những thay đổi tích cực của nhà trường trong việc thành lập các khóa học mới. Cụ thể, chương trình thạc sĩ về chính trị và truyền thông toàn cầu thu hút nhiều hồ sơ ứng tuyển nhất (230 hồ sơ). Theo sau là chương trình thạc sĩ mới mở về biến đổi môi trường và bền vững toàn cầu (202 hồ sơ). Ở vị trí thứ 3 là chương trình thạc sĩ khoa học máy tính với 182 hồ sơ.
Chương trình thạc sĩ về biến đổi môi trường và bền vững toàn cầu chiếm số lượng đăng kí lớn thứ 2 trong số tất cả các ngành. Giáo sư Helena Åström, phó chủ nhiệm phụ trách học thuật Khoa sinh học và khoa học môi trường, Đại học Helsinki chia sẻ “chương trình đa ngành này có mục tiêu đầy tham vọng nhằm giải quyết các vấn đề bền vững trong hệ thống môi trường và nhân loại, và nội dung đào tạo được thiết kế bởi ba khoa riêng biệt.” Đây được xem là một thành công lớn bởi thông thường các chương trình mới sẽ phải mất nhiều năm để thu hút lượng lớn sinh viên quan tâm.
Trong những năm gần đây, Đại học Helsinki tiếp tục phát triển nhân rộng trên phương diện thu hút tuyển sinh quốc tế. Số lượng hồ sơ từ nhiều quốc gia như Ấn Độ, Colombia, Ecuador, Chile, Peru, Indonesia, Mỹ, Hong Kong, Nga tăng lên đáng kể, và Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng sinh viên đăng kí học cao nhất. Hiện nay, tổng số quốc gia có sinh viên đăng kí học tại Đại học Helsinki đã đạt 127 nước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỉ lệ đa dạng văn hóa trong phạm vi toàn trường.
Tỉ lệ thuận với số lượng sinh viên đăng ký nhập học là tỉ lệ ứng viên đăng kí xin học bổng. 84% sinh viên nằm trong diện bị áp dụng mức học phí mới mong muốn nhận được học bổng của trường.
>> Những học bổng giúp bạn chinh phục ước mơ du học Phần Lan
Có thể nói, với động thái đổi mới cập nhật và nâng cấp các khóa học thạc sĩ, Đại học Helsinki đã có bước “đón đầu” thành công trước xu hướng tưởng chừng bất lợi là việc áp dụng chính sách học phí cho sinh viên nước ngoài theo học bậc sau cử nhân tại Phần Lan. Ngoài ra, định hướng đẩy mạnh tiếp thị số và tinh gọt quy trình xử lý hồ sơ, dịch vụ đăng kí và tư vấn sinh viên cũng giúp cho danh tiếng của trường thêm phần củng cố.