Khi bắt đầu cuộc sống du học, mỗi sinh viên không chỉ phải đối diện với những khó khăn lớn như việc hòa nhập với môi trường mới, giao tiếp, học tập, sinh hoạt…mà việc ăn uống cũng là cả một vấn đề. Xa nhà, chuyện cả tháng toàn ăn mì gói là bình thường, nhưng đó vẫn không thể là biện pháp lâu dài với các du học sinh. Nhiều người phân vân giữa chuyện nên đi chợ mua đồ về tự nấu hay nên ăn tại những quầy thức ăn bán sẵn? Bên cạnh đó, cũng thật không dễ dàng cho bất kì du học sinh nào khi sống giữa nơi “đất khách quê người” mà lại muốn được thưởng thức hương vị của món ăn quê nhà, sẽ có câu hỏi: Du học sinh Việt tại Mỹ muốn ăn đồ Việt thì tới đâu? Hotcourses sẽ giúp bạn có câu trả lời trong bài báo dưới đây.
Tại Mỹ, các trung tâm mua sắm quốc tế thường được đặt tại khu vực có đông dân cư sinh sống, phần lớn các siêu thị là nơi bạn có thể mua nhiều loại gia vị để nấu các món ăn mang hương vị quê nhà. Còn khi bạn đi ăn hàng thì bạn sẽ phải để lại một khoản tiền típ (phí dịch vụ) từ 15-20% tùy thuộc vào chất lượng dịch vụ của nhà hàng đó. Nếu bạn sống ở một trong những khu tập trung đông người Việt như thành phố Seattle của tiểu bang Washington chẳng hạn, sẽ khá đơn giản để có thể tìm được một cửa hàng bán đồ ăn Việt như cơm, bún, phở…các loại. Nhưng cũng thật khó để có thể ăn thường xuyên khi một tô phở ở đây giá tính ra 100.000 đồng tiền Việt. Còn nếu bạn muốn ăn đồ châu Á tại Mỹ thì cũng sẽ không quá khó để tìm thấy các tiệm ăn Việt Nam hay các quán nhỏ trong những Chinatown (phố Tàu).
Bạn có thể tìm được món ăn Việt “khoái khẩu” nào tại Mỹ?
Phở
Phở với người Việt là quốc hồn, quốc tuý, còn với người Mỹ là thức ăn nhanh, giản tiện, lại ngon; ăn cả buổi sáng, trưa, chiều và tối đều được, nên rất cuốn hút. Tại một trường đại học ở bang Massachusetts, món phở đã được phục vụ tăng từ 1 bữa/tuần lên 2 bữa/tuần.
"Đại bản doanh" của phở Việt ở Mỹ là bang California với số lượng 328 nhà hàng. Còn lại, các bang khác đều có ít nhất 3 quán phở. Riêng 3 tiểu bang có một tiệm phở là New Hampshire (Nhà hàng VietNam Noodle House ở số 138 Main St.), Delaware (nhà hàng Pho Nhu Vu ở 1146 Pulaski Highway) và Washington DC (nhà hàng Nam - Việt & Pho - 79 ở 3419 Connecticut Ave NW).
Bánh mì Việt
Tại Hoa Kỳ, bánh mì Việt Nam (chữ "bánh mì" được viết nguyên cả dấu) đang trở thành một món ăn thu hút sự chú ý. Một trong những chuỗi cửa hàng bánh mì Việt lớn nhất nước Mỹ là Lee’s Sandwiches, đặt trụ sở ở San Jose, bang California với 43 cửa hàng tại 5 bang khác. Giám đốc phụ trách marketing Thang Hoang cho biết sẽ có thêm 15 cửa hàng mới từ giờ đến cuối năm. "Chúng tôi là người Việt Nam", Thang Hoang nói, "Và chúng tôi biết bánh mì của chúng tôi là ngon nhất". Cạnh đó, bạn cũng sẽ được thưởng thức món bánh mì Việt tại chuỗi cửa hàng của Michael Bao và vợ Thao Nguyen tại New York.
Là du học sinh Việt tại Mỹ, đặc biệt là những ai ở khu vực Los Angeles, chắc hẳn bạn sẽ không quá lạ lẫm gì với những chiếc xe “Nom Nom Trucks” chuyên phục vụ bánh mì kiểu Việt Nam hay chạy xuyên các bang của Mỹ. Thực đơn của Nom Nom Truck có bánh mì thịt nướng, bánh mì gà lá chanh, và bánh mì chay sẽ đem hương vị ẩm thực của xứ Việt đi khắp đất nước Hoa Kỳ rộng lớn.
Và để tha hồ mua sắm đồ ăn Việt ở Mỹ về chế biến, bạn hãy đến những địa chỉ này:
Chợ Việt ở California
Vào cuối tuần, các bạn có thể ghé qua khu Bolsa và tới chợ Việt Nam, cảm nhận nếp sống sinh hoạt của người Việt trên đất Mỹ. Chỉ riêng trong quận Cam mà trên dưới đã có hơn 20 chợ Việt lớn nhỏ mở cửa suốt 7 ngày trong tuần, từ 8 hoặc 9 giờ sáng đến 8 hay 9 giờ tối tùy theo từng chợ. Trong chợ có bán đủ từ rau tươi, trái cây, thịt cá, các loại gia vị… mà các gia đình người Việt hay dùng cho đến các món ăn làm sẵn có thể ăn ngay, rất thuận tiện cho các du học sinh có thể đến đây ăn uống hoặc mua nhiều thực phẩm một lúc để mang về ăn dần trong một thời gian dài.