Ngành Y khoa là một trong những ngành học đầy thử thách với tỉ lệ cạnh tranh cao. Vậy trải nghiệm thực tế của du học sinh trong quá trình theo đuổi ngành Y tại Vương quốc Anh như thế nào? Hotcourses Vietnam đã phỏng vấn bạn Toàn Phạm, sinh viên Y khoa trường Queen’s University Belfast để giúp các bạn có cái nhìn rõ nét hơn về ngành học này.
>> Du học ngành Y tại Anh: bậc đại học và sau đại học
Chào Toàn, bạn có thể chia sẻ điều kiện để trúng tuyển vào ngành Y của Queen’s University Belfast?
Trước khi học đại học ngành Y tại Queen’s University Belfast, mình đã có tấm bằng đại học ngành Y sinh tại University of Sheffield. Tức là sau khi học xong đại học, mình đã thi lại vào trường y như các bạn học sinh cấp 3 bình thường. Để được nhận vào học ngành Y tại các trường đại học ở Anh quốc, bạn phải đáp ứng các điều kiện cụ thể như sau:
- Tốt nghiệp cấp 3 ở Anh, có chứng chỉ A-Level. Các trường đại học của Anh không chấp nhận bằng cấp ba của Việt Nam, vì vậy, nếu hiện bạn đang ở Việt Nam mà muốn ứng cử thì bạn cần học một năm dự bị tại Anh gọi là foundation year. Mình muốn khuyên những bạn còn đang ở Việt Nam hãy chọn trường đại học và bằng cấp mà bạn muốn học ở Anh, sau đó kiểm tra xem ngôi trường mà bạn quan tâm có cung cấp khóa học dự bị liên quan tới bằng cấp bạn muốn theo học hay không.
- Điểm tổng kết ở trường có ít nhất 3 điểm A.
- Ứng viên có thể còn phải tham gia vào bài kiểm tra năng lực đầu vào như IQ test, và bài kiểm tra đặc thù của ngành Y như UKCAT hoặc BMAT (tùy yêu cầu từng trường). Bạn tra cứu tại link Medicine Answered để biết trường đại học nào dùng một trong hai loại bài kiểm tra trên. Medicine Answered cũng cho biết thời gian, địa điểm và cách thức thi của từng dạng bài kiểm tra.
Sau khi hoàn thành bộ hồ sơ, bạn sẽ tải lên hệ thống UCAS trước cả khi thi tốt nghiệp cấp 3 hoặc đại học. Bên tuyển sinh sẽ dựa vào tất cả bộ tài liệu trong hồ sơ để mời mình tới phỏng vấn. Bạn có thể gửi hồ sơ tới 4 trường Y mà bạn mong muốn. Lưu ý là hạn nộp hồ sơ của trường Y sớm hơn tất cả các trường khác. Theo mình biết, các bạn ứng tuyển ngành Y thường chuẩn bị sẵn hồ sơ một năm trước và hồ sơ luôn được chuẩn bị rất kĩ. Có nhiều trường Y cạnh tranh hơn có thể đánh giá điểm từ trước cấp 3 của bạn, do đó nhiều bạn đã chuẩn bị từ năm lên 10 để có thể du học ngành Y tại Vương quốc Anh, với các kế hoạch như tham gia tình nguyện/thực tập tại bệnh viện từ năm 14-15 tuổi, đồng thời tập trung cải thiện điểm số để có một bộ hồ sơ thật mạnh.
Toàn có thể chia sẻ rõ hơn những yếu tố làm nên một bộ hồ sơ mạnh?
Mỗi trường sẽ đề cao những thế mạnh riêng, do đó, để hiểu thế nào là bộ hồ sơ mạnh bạn cần hiểu điểm mạnh của bạn là gì, từ đó nghiên cứu xem trường nào phù hợp. Ví dụ như Queen’s University Belfast, họ đề cao người đã có bằng đại học trước đó và đây là điểm mạnh của mình. Hay có trường đại học ở Scotland (University of Edinburgh) lại không yêu cầu phỏng vấn mà chỉ xét điểm và bài luận cá nhân.
Đặc biệt, các trường đại học Anh quốc thường đánh giá rất cao về sự trưởng thành, chín chắn của ứng viên trên cả thành tích học tập. Ví dụ, thay vì chỉ thể hiện thành tích, bạn hãy chia sẻ sâu hơn về những đóng góp của mình, bạn đã làm những gì, trong bao lâu, học được điều gì từ những trải nghiệm đó và chúng đã thay đổi bản thân bạn như thế nào.
>> 10 bí quyết chuẩn bị hồ sơ du học ngành Y tại Vương quốc Anh
Các chương trình đào tạo ngành Y được tổ chức ra sao tại các trường đại học ở Vương quốc Anh?
Có 34 trường Y tại Anh với nhiều khóa học khác nhau, nhưng nhìn chung có thể phân các chương trình này thành 3 phương pháp đào tạo như sau:
- Loại 1 (Traditional): Dạy theo cách cơ bản truyền thống, giáo trình và phương pháp gần như giữ nguyên qua hàng chục năm. Sinh viên lên giảng đường học 2 năm đầu học và sau đó đi thực tập ở các bệnh viện. 3 năm cuối không lên giảng đường mà chỉ đi làm ở bệnh viện.
- Loại 2 (Intergrated): Tại Queen’s University Belfast, bọn mình học theo phương pháp này. Chương trình học chia theo các bộ phận của con người. Sinh viên vừa đi học, vừa đi lâm sàng (tức là từ năm đầu tiên đã tiếp xúc với bệnh nhân). Ví dụ, tháng này học về não thì sinh viên sẽ được đi bệnh viện thực tập về cách điều trị, tìm hiểu các bệnh nhân mắc bệnh não. Chẳng hạn với bộ phận não, mình đã được học về cách phẫu thuật não hay khoa học thần kinh.
- Loại 3 (Problem-based): Đây là phương pháp học khá mới được ứng dụng tầm 10 năm gần đây tại một vài trường đại học ở Anh. Lớp học sẽ được chia theo nhóm với các bài tập dựa trên tình huống (case study). Giáo sư yêu cầu các nhóm tự tìm hiểu và tuần tới thuyết trình, giải thích cho cả lớp. Cách học này đề cao tinh thần tự học và khả năng diễn đạt nói, sao cho người nghe có thể hiểu được điều mình muốn trình bày. Tất nhiên là các giáo sư vẫn giảng bài trong các lớp học, đưa ra các nhận xét quý giá cho các bài thuyết trình.
Ngành y tại Anh có thể kéo dài 4 năm, 5 năm hoặc 6 năm. Chương trình học 4 năm cạnh tranh và nhận ít sinh viên hơn. Chương trình này chỉ dành cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Chương trình học 5 năm với điều kiện chỉ cho những bạn đã có bằng đại học tương đương với ngành Y như bằng đại học về hóa, sinh hay bằng A-level có những môn học đó. Còn lại, chương trình học 6 năm dành cho những bạn đã học đại học của những ngành khác hẳn ngành y hoặc những bạn học sinh cấp ba với chương trình học không có các môn yêu cầu của ngành y như sinh học, toán và hóa nhưng muốn chuyển sang ngành này. Ví dụ mình có người bạn đang học chuyên ngành lịch sử và chuyển sang Y, do đó bạn ấy cần học dự bị 1 năm để bổ sung kiến thức của các khóa học về ngành Y mới có thể bước vào 5 năm học chính quy.
Bạn đánh giá thế nào về trải nghiệm học tập tại Queen’s University Belfast?
Về điểm mạnh, Queen’s University Belfast có thế mạnh chính về nghiên cứu ung thư và đây cũng là mối quan tâm chính của mình, vì vậy, mình có nhiều cơ hội thực hành tại các trung tâm nghiên cứu ung thư hay thảo luận cùng các giáo sư trong lĩnh vực này. Hơn nữa, sinh viên cũng được thực tập trong phòng nghiên cứu hoặc ở lại vào kì nghỉ hè để làm việc tại đây. Trường cũng chú trọng kĩ năng giao tiếp với bệnh nhân của sinh viên và tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với bệnh nhân càng sớm càng tốt. Chương trình hỗ trợ sinh viên tại đây cũng rất tốt. Mình chỉ cần có vấn đề gì họ sẽ đón tiếp và hỗ trợ. Các khoa cũng được gặp nhau 2 tuần một lần để học hỏi lẫn nhau. Đây là hoạt động được tổ chức bởi hội sinh viên trong trường dưới sự hỗ trợ của trường y. Ví dụ, nếu mình muốn học hỏi về ngành cấp cứu hay mổ thì mình sẽ tham gia chương trình trao đổi này. Các giáo sư, bác sĩ sẽ được mời tới tham dự sự kiện để nói chuyện hoặc dạy các kĩ năng thêm như khâu vết thương cho bệnh nhân chẳng hạn.
Về hạn chế thì mình thấy thời khóa biểu và chương trình học khá nặng. Lịch trình của mình hàng ngày kín từ 9h sáng tới 5h chiều. Thời gian tutorial group (học nhóm với giáo sư hướng dẫn) là thời gian duy nhất mình gặp các bạn của mình để trao đổi. Các trường áp dụng phương pháp phân nhóm và dựa trên vấn đề (problem-based) cũng cho phép sinh viên có nhiều thời gian tự học, nghiên cứu hơn.
Cuối cùng, bạn có thể chia sẻ về các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh Covid-19?
Gần đây mình có phát triển kênh Youtube channel Toan Pham. Mình quyết định làm bởi mình nhận ra vấn đề các bạn sinh viên Việt Nam khi sang Anh thường hỏi mình rất nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại đó là đi khám ở đây như thế nào? Khi tìm hiểu, mình nhận ra nhà trường có đưa thông tin nhưng các thông tin không dễ đọc và không nhiều người để ý. Các nhóm trên Facebook cũng không chia sẻ kinh nghiệm nhiều về các vấn đề khám sức khỏe ở hệ thống y tại Anh. Bản thân mình trong ngành nên hiểu được hệ thống và có khả năng giải thích các vấn đề một cách có nguồn gốc và rõ ràng. Vì vậy, mình muốn phát triển các video về Y học đơn giản dễ hiểu để giúp mọi người tiếp cận với các thông tin y khoa chất lượng. Đặc biệt, mình cũng cho ra một video giải thích chi tiết về các triệu chứng, phương pháp cách ly và bảo vệ bản thân trước dịch bệnh Covid-19.
Một trải nghiệm đáng nhớ khác của mình ở trường đại học đó là việc tham gia vào câu lạc bộ ngôn ngữ kí hiệu. Đối với một bác sĩ thì việc dùng các ngôn ngữ kí hiệu trao đổi với bệnh nhân khuyết tật là kĩ năng rất quan trọng. Các hoạt động được tổ chức 2 tuần/lần như tới thăm và hỗ trợ bệnh nhân ở bệnh viện. Bọn mình từng tổ chức một buổi hội thảo lớn với hơn 130 người tham dự để nâng cao nhận thức của mọi người và giải thích những trải nghiệm của người khuyết tật. Chương trình đã được nhận giải thưởng cống hiến cho sự bình đẳng của trường. Đây là một trải nghiệm rất ý nghĩa và đáng nhớ với mình trong quá trình học tập tại Queen’s University Belfast.