Nằm khuất ở một con dốc nhỏ, hướng ra đường lớn chạy dọc bờ tây sông Exe River, Book Cycle là một tiệm sách cũ nằm trong căn nhà Anh kiểu cổ chỉ khoảng 40m2, hoàn toàn bằng gỗ với một gác nhỏ, hơi xiên vẹo nhưng đẹp. Tiệm sách này nhỏ xinh vừa đủ, sách chất chồng cao tận nóc và đầy các thùng carton, có một ghế sofa êm ái ở trên gác, vừa đủ cho hai người ngồi và yên tĩnh.
>> Scotland: Chia sẻ của một tình nguyện viên ở Chest, Heart and Stroke boutique
Tiệm sách Book Cycle
Tiệm Book Cycle không phải là đối thủ cạnh tranh của những cửa hàng lớn như hệ thống Waterstone rộng khắp nước Anh, vốn là một dạng chuỗi hiệu sách như Barne & Noble của Mỹ, thường được mở ở các khu High Street, khu vực mua sắm trung tâm của thành phố, và rộng.
Nếu cửa hàng sách Waterstone được bài trí đơn giản, sử dụng tông màu ấm áp dễ chịu, sang chảnh với mùi sách thơm lừng và giá cả có phần đắt đỏ thì ngược lại, tiệm Book Cycle rất bé, cũ kỹ, và sách cũng cũ nốt. Sách chất đầy lối đi. Mùi sách cũ và căn nhà kiểu cũ tạo cảm giác thân thuộc như ở nhà. Có những ngày tiệm sách rất đông, và có những ngày thì vắng vẻ, yên tĩnh tuyệt đối. Tuyệt nhất là những hôm mình ở đây một mình trông cửa hàng và bật nhạc nhẹ, sắp sách, lau dọn kệ và uống trà đọc sách nếu xong việc.

Sách ở Book Cycle rất đa dạng về thể loại và nguồn sách, thậm chí có những đầu sách đã không còn được xuất bản, hoặc có tuổi đời rất rất xưa. Tất cả đều phụ thuộc vào việc "đóng góp" của mọi người. Cảm giác ở Book Cycle gần giống như những hàng sách cũ dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Huy Liệu ở Sài Gòn, nhưng độc đáo, kín đáo hơn, và dễ chịu hơn.
>> 6 cuốn sách tuyệt vời để khởi động kỳ học
Công việc tại tiệm sách
Tiệm sách được điều hành và hoạt động bởi một nhóm nhỏ những người tình nguyện, dành khoảng thời gian chừng 4 tiếng/ngày, hai hoặc ba ngày một tuần. Vì là công việc tình nguyện nên người làm việc ở đây không được trả công, chỉ có bánh ngọt và trà để dùng trong lúc làm. Mỗi ca sẽ có 2 người trực. Nhiệm vụ của người trực tiệm sách là quản lý khách ra vào, nhận quyên góp và sắp xếp sách trên giá/kệ rồi phân loại các sách, báo, tạp chí, băng đĩa được đóng góp.
Nhiệm vụ đầu tiên của mình khi ở đây là nhớ các kệ sách, sách nào chứa ở giá nào. Sau đó sẽ là màn xếp sách đã phân loại lên kệ, theo thứ tự Alphabet dần từ trên xuống, nếu hết chỗ thì gỡ những cuốn sách thiệt cũ, giấy vàng khè xuống để có chỗ xếp sách mới lên. Tay cầm sách liên tục, đọc lướt xem sách nào thuộc thể loại gì, dò từng hàng sách, gỡ sách, nhét sách vào, chuyển sách xuống. Đặc biệt, không được phép đặt chồng sách nằm ngang lên hàng sách đang thẳng đứng, vì sẽ làm hư sách và mất thẩm mĩ kệ sách.
>> Du học ngành Thư viện/Thủ thư ở nước ngoài
Các kệ sách ở tầng trệt, vốn là nơi khách ngó nghiêng thường xuyên nhất, có thể đọc thấy các thể loại sách như viễn tưởng, khoa học viễn tưởng, phi viễn tưởng, kịch nghệ, thơ, sách cho trẻ em và trẻ vị thành niên, kinh dị, truyện ngắn, sách về vườn tược, nghệ thuật, tâm lý, triết học, cổ điển, sách tiểu sử, photography, sách khéo tay hay làm, nấu ăn hay pha chế đồ uống. Trong khi các thể loại sách ở trên gác gỗ bao gồm: lịch sử, kỹ thuật, sách giáo khoa, chăm sóc thú cưng… Và tất nhiên mình cũng được hướng dẫn cách chào hỏi khách, đứng quầy nhận tiền đóng góp và cảm ơn khách đến đóng góp sách.
Không phải tất cả sách đóng góp cho tiệm đều được phân loại và sắp lên giá/kệ theo thể loại. Tiệm sách có hẳn một quy trình, yêu cầu sắp xếp sách mà mình phải tập làm quen cả tuần lễ mới có thể thành thạo. Sách văn học kinh điển sẽ được giữ nhiều bản trên giá, và để lâu. Sách tiểu thuyết tình cảm hoặc trinh thám rẻ tiền sẽ được giữ không quá 2 tuần. Sách văn học hiện đại, còn mới, được giữ lâu hơn một chút. Sách trẻ em phải thay liên tục nếu quá hai tuần vẫn còn nguyên. Phần lớn những sách để lâu mà không ai quan tâm hoặc là bộ Britannia Encyclopedia, sẽ được đưa vào kho và đem đi tái chế (đơn giản vì nó chiếm diện tích và chẳng ai muốn chứa tại nhà).
Băng, đĩa cũng thế. Mặc dù có một góc nhỏ dành cho loại sản phẩm này, nhưng rất bé, và thường chỉ là những băng, đĩa nhạc cổ điển, thứ mà người ta luôn có thể nghe mọi thời gian và dễ dàng "recycle" hơn là những thứ âm nhạc hiện đại khác. Nhưng cũng như sách, băng, đĩa vốn chỉ có thể tồn tại trên giá không quá hai tuần.
Người ta thường nói, sách trên kệ luôn phụ thuộc vào sự hiểu biết của người thủ thư/chủ tiệm sách. Mình không phải chủ tiệm sách, nhưng thời gian làm việc tại tiệm sách Book Cycle đã giúp mình mở mang được một số đầu sách nổi bật trong từng thể loại riêng biệt, và thậm chí, việc lọc sách cũng phụ thuộc vào nhãn quan và sở thích của mình. Ví dụ, có những đầu sách về Thế chiến thứ II mình rất mê, sẽ được ở nguyên vị trí trên giá rấttttttt lâu. Bất kể thời gian, vì sách về lịch sử luôn luôn cần thiết và dễ bán. Đặc biệt là đối với người châu Âu, họ rất thích tìm hiểu về lịch sử.
>> 5 câu hỏi WH về thói quen đọc sách của sinh viên nước ngoài
Lợi ích từ việc làm việc tại tiệm sách cũ Book Cycle
Có rất nhiều ích lợi từ trải nghiệm làm thêm ở tiệm sách cũ Book Cycle, và dưới đây là một vài trong số những trải nghiệm ấy, cũng là những lí do mà nếu được trở lại thời du học, mình vẫn sẽ tìm tới công việc này mà không một chút lăn tăn.
a. Được đọc sách miễn phí trong thời gian làm việc tại tiệm sách
Đối với những bạn là mọt sách thì việc được đọc sách thả giàn và miễn phí là điều rất quý giá. Tiệm có rất nhiều thể loại sách và bạn, nếu không phiền lòng, có thể được đọc sách mà không ai quấy rầy. Thật sự Waterstone hay nhiều cửa hàng sách khác cũng cho phép bạn đọc sách, nhưng với nơi đây, một vị trí ngồi thoải mái và yên tĩnh, thì không tiệm sách nào bằng.
Mình đã từng trông tiệm sách với một anh chàng người Anh trẻ tuổi, đang học ngành tiếng Nga, cầm lấy cuốn War and Peace của Leo Tolstoy, dày hơn 10cm từ tiệm sách mà ngồi đọc, trong khi mình thì cầm mấy cuốn hướng dẫn vẽ màu nước để tham khảo. Tuyệt vời!
b. Được giao lưu với khách đến chọn sách và khách đến cho sách
Có ngày, mình được tiếp một anh chàng trẻ tuổi, đánh xe hơi mang đến ủng hộ hơn trăm cuốn sách còn rất mới mà theo ảnh nói là của mẹ cho, vì nhà không còn nhiều chỗ nên đành cho đi.
Hoặc một hôm khác là một bác lớn tuổi đến tiệm sách chơi. Bác không lựa sách, chỉ đứng ngắm nghía và nói chuyện. Bác biết rất nhiều sách và tác giả. Khi mình gỡ 3 cuốn sách của Louise Lee khỏi kệ sách tiểu sử thì bác ấy chỉ vào và nói, chị ta rất nổi tiếng với những nội dung hay ho thế nào. Khi mình cầm lên cuốn tiểu sử của Ernst Hemingway, bác lại kể về việc xưa Hemingway đã từng làm kí giả chiến trường trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha (Spanish Civil War) một thôi một hồi và cam đoan rằng, chắc chắn nó phải nằm trong cuốn sách đó. Rồi một tập sách ảnh của một họa sĩ người Anh. Một tập sách khác vẽ về các loài hoa và bướm của một nhà sinh vật học khác. Bác nói nhiều và rất vui tính. Bác hỏi mình ở đâu, mình nói ở Việt Nam, bác hỏi miền bắc hay miền nam, rồi bác khoe ở khu nhà bác có 5-6 gia đình người Việt, họ toàn đến từ miền nam và họ rất là dễ thương, vui vẻ, hay kể chuyện cười và rất thiệt tình. Thậm chí, bác cho địa chỉ, mời mình đến chơi khi rảnh.
>> Tạo dựng quan hệ với người bản xứ trước khi đi du học
Có một lần, mình trông Tiệm với một bác lớn tuổi khác. Bác là bạn lâu năm với tiệm sách và sở thích của bác ấy là cây cỏ và chim muông nên bác luôn mang đến những câu chuyện thú vị về cách nhận biết một số loài chim và cây cỏ nội địa nước Anh. Mình trò chuyện với Bác bên tách trà thơm và biết thêm được nhiều điều hay ho ở vùng đồng quê nước Anh, những nơi mà với tài chính ít ỏi, mình không được trải nghiệm trong thời gian học tập tại đây.

c. Được lấy 03-05 cuốn sách mỗi ca làm việc như là một phần thù lao
Với túi tiền eo hẹp của du học sinh, sách là thứ vô cùng xa xỉ để sở hữu. Thế nhưng, khi mình làm việc tại tiệm sách thì điều xa xỉ đó lại thật dễ tiếp cận. Công việc ở tiệm đã giúp mình chọn lựa được những đầu sách hay và để riêng ra để mang về. Việc lấy sách về là miễn phí và sẽ không ai phàn nàn gì cả, nhưng thông thường mình sẽ để lại một khoản đóng góp nho nhỏ, rơi vào khoảng 1 đến 5 bảng Anh, tuỳ đầu sách. Mình không chỉ muốn đóng góp bằng công sức, mà cũng muốn dành một ít để duy trì sự hoạt động của tiệm và ủng hộ trẻ em nghèo ở Châu Phi. Vả chăng, với số lượng sách quý giá mà mình mang về, số tiền mình đóng góp cũng không mấy đáng kể.
d. Được tận hưởng không gian sách tuyệt vời mà không một nơi nào khác có thể mang lại
Khi là sinh viên, bạn có thể làm thêm ở Thư viện trường với mức lương cơ bản và được huấn luyện xếp sách như một thủ thư chính hiệu. Nhưng thường thì thư viện tuyển rất ít, và vì ai cũng muốn làm nên là chẳng bao giờ có suất dư. Ngược lại, tiệm sách Bookcycle thì rất bé, nằm khuất ở một con dốc nhỏ hướng ra đường lớn, ít người biết đến, và vì là công việc tình nguyện nên ít người mong muốn làm.
Tuy nhiên, nếu có cơ hội, thì đây vẫn là một trong những công việc mang lại trải nghiệm rất tốt. Việc tiếp xúc với nhiều khách hàng, bạn cùng làm, và quản lý Tiệm sách giúp mình cảm thấy hoà nhập hơn với cuộc sống ở nước Anh, và hơn thế nữa là mình có thể tự tin giao tiếp với những người ở đây, không còn bẽn lẽn và ngại ngùng.
Ngoài ra, không phải thành phố nào cũng có một tiệm sách như thế, nhưng các bạn có thể xin làm việc tương tự tại các cửa hàng charity của các tổ chức NGO khác như Oxfam... đa dạng hàng hoá hơn, như là quần áo, sách, tạp chí, đồ dùng, dụng cụ… Và theo mình biết, hình như bạn cũng sẽ được trả một khoản tiền công tượng trưng.

Du học nước ngoài là một cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở vùng đất hoàn toàn khác. Nhưng nếu muốn được thử thách nhiều hơn, trải nghiệm trọn vẹn hơn thì lời khuyên chân thành là hãy cố gắng tham gia vào một hoạt động gì đó thật cụ thể ở nơi bạn ở, để bạn có thể hiểu hơn về vùng đất đó, cảm thấy mình không còn đứng bên lề xã hội nơi ta gắn bó suốt quãng đời du học.