Hẳn rất nhiều người trong số các bạn đang hoặc đã từng ấp ủ giấc mơ du học. Mình cũng vậy, mình đã có mong muốn đi du học từ khi học phổ thông, nhưng cuối cùng mình đã chọn đi du học sau khi tốt nghiệp đại học trong nước và đi làm 2 năm. Hiện tại mình hoàn toàn hài lòng với những lựa chọn và quyết định của mình. Nhân đây mình muốn chia sẻ với các bạn kinh nghiệm cũng như những trải nghiệm trong quá trình mình chuẩn bị du học.
>> Du học Anh – Học bổng du học Anh
>> Dịch vụ y tế cho du học sinh tại Anh
>> Hòa nhập với môi trường du học
Vì sao mình đi du học sau 2 năm đi làm?
Mình từng có ý định đi học thạc sĩ ở nước ngoài ngay sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng tại thời điểm đó mình lại thấy rất mông lung về việc chọn học gì, ở đâu trong khi trước mắt có quá nhiều lựa chọn. Ở đại học, mình học ngành kinh tế đối ngoại nên mình hoàn toàn có thể học tiếp thạc sĩ ngành kinh tế, tài chính, marketing, hay MBA… Giống như nhiều bạn sinh viên mới ra trường khác, lúc đó mình chưa thực sự xác định được mình nên học tiếp ngành gì. Liệu mình có thích ngành học mình sẽ chọn và liệu mình có phù hợp với công việc trong lĩnh vực đó sau này? Tất cả những câu hỏi này chỉ được giải đáp sau 2 năm mình đi làm. Công việc của mình làm trong suốt 2 năm là phân tích tài chính. Hai năm đủ để mình biết mình thích gì và cần gì. Đây chính là thời điểm thích hợp để mình đi học cao học. Vì vậy mình đã quyết định học thạc sĩ về tài chính, cụ thể hơn là đầu tư tài chính, sau 2 năm đi làm.
Vì sao mình chọn vương quốc Anh và Đại học Birmingham?
Đi du học 2 năm sau tốt nghiệp đại học, có thể nói mình đi du học không sớm (nếu không muốn nói là hơi muộn theo quan điểm của những người thuộc thế hệ của ông bà ba mẹ mình). Vì thế, chọn đi học ở đâu cũng là một vấn đề quan trọng.
Với mình vương quốc Anh là lựa chọn số 1 bởi bốn lý do chính.
Thứ nhất, học thạc sĩ ở Anh chỉ mất 1 năm.
Thứ hai, hệ thống giáo dục bậc cao học của Anh, đặc biệt là các khóa học về tài chính - ngành học mà mình lựa chọn, có chất lượng tốt và được công nhận trên toàn thế giới.
Thứ ba, thời gian học ngắn còn giúp tiết kiệm chi phí ăn ở và mau chóng có thu nhập nhờ tốt nghiệp và tìm việc sớm hơn.
Thứ tư, trong thời gian sống và học tập ở vương quốc Anh mình có thể đi du lịch các nước châu Âu khá dễ dàng.
Về việc chọn trường, mỗi bạn có thể có những tiêu chí của riêng mình. Còn đối với mình, mình quan tâm đến chất lượng và chi phí của khóa học hơn cả. Sau khi nộp đơn và nhận được offer letter của một số trường như Aston University, University of Bristol, University of Birmingham, University of Westminster và Bournemouth University, mình quyết định chọn khóa MSc Investments của Đại học Birmingham bởi các module của khóa học này khá hay và sát thực tế (thiên về thực hành hơn lý thuyết), học phí vào loại trung bình so với các khóa thạc sĩ tài chính của các trường khác. Hơn nữa, Birmingham là một thành phố sôi động, lớn thứ 2 ở Anh sau London, nhưng chi phí sinh hoạt phải chăng hơn rất nhiều so với các thành phố như London hay Manchester. TP Birmingham vừa có đủ sự yên bình cho một môi trường học tập, vừa có đủ náo nhiệt và sầm uất cho các thú vui giải trí và mua sắm.
Một lý do quan trọng nữa mà mình muốn nhấn mạnh là mình thực sự ấn tượng và hài lòng với dịch vụ hỗ trợ sinh viên của Trường Birmingham. Từ khi mình nộp hồ sơ cho trường, trường liên tục cập nhật cho mình các thông tin bổ ích qua email như các loại học bổng và thời hạn, các lưu ý khi xin visa, cuộc sống và con người ở thành phố Birmingham, đời sống sinh viên ở Đại học Birmingham qua tờ The Postgraduate Times của trường... Hơn thế nữa, trường còn tổ chức buổi nói chuyện của đại diện nhà trường cho các bạn sắp sang học (pre-departure briefing), ở đó bọn mình không chỉ được tìm hiểu về trường mà còn có thể giao lưu kết bạn với các anh chị là cựu sinh viên và các bạn học sắp tới.
Bên cạnh đó, trường còn có Pre-arrival Mentoring (tạm dịch là chương trình tư vấn trước khi sang học), trong đó cung cấp thông tin liên hệ của người tư vấn (mentor) là các bạn sinh viên đang theo học ở trường. Các bạn ấy sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc của bạn trước khi bạn lên đường. Thậm chí các mentor còn chủ động gọi điện trực tiếp cho bạn nữa. Tất cả các hoạt động hỗ trợ đó đều thật sự hữu ích đối với các bạn sinh viên sắp sang học như mình. Chính nhờ các hoạt động này, mình cảm thấy hiểu và yêu mến Trường Birmingham hơn các trường còn lại.
Chỉ từng ấy lý do thôi cũng đã quá đủ để mình chọn Đại học Birmingham. May mắn hơn, mình là 1 trong 23 sinh viên quốc tế được trường cấp học bổng bậc cao học (International Postgraduate Scholarship) năm nay. Chả còn gì phải đắn đo, mình bắt tay ngay vào chuẩn bị sang học Trường Birmingham!
Một vài chia sẻ với các bạn đang muốn đi du học ở vương quốc Anh
- Chọn trường và khóa học
Thông qua việc chia sẻ với các bạn câu chuyện du học của mình, mình muốn nói rằng dù bạn học ngành gì và ở đâu thì việc tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng là hết sức quan trọng. Khi lựa chọn khóa học bậc đại học, bạn có thể quan tâm nhiều đến sở thích và cá tính cá nhân; còn khi chọn khóa học bậc cao học, nhất thiết phải dựa trên nền tảng kiến thức đại học và kinh nghiệm làm việc của mình. Về chọn trường, theo kinh nghiệm của mình, nên tìm hiểu khoảng 10 trường trong top 30-50 trường (theo ngành học và trong phạm vi quốc gia). Bạn nên chia thành 3 nhóm trường: khó, trung bình, dễ có offer letter, sau đó chọn ra khoảng 1-2 trường trong mỗi nhóm để nộp hồ sơ. Một khi bạn đã biết mình thích gì và khả năng của mình đến đâu thì bạn chỉ cần nộp hồ sơ khoảng 5-7 trường là đủ. Sau khi đã có sự lựa chọn của riêng mình thì bạn cần bắt tay vào chuẩn bị xin nhập học, xin học bổng (nếu có) càng sớm càng tốt.
- Chọn trung tâm tư vấn
Khi chuẩn bị du học, bạn cần biết rất nhiều thông tin và cũng có rất nhiều thông tin sẵn có để bạn tìm kiếm. Vấn đề là bạn phải tìm đúng nguồn để có được thông tin chính xác và tiết kiệm thời gian. Theo mình, bạn nên lựa chọn một trung tâm tư vấn có uy tín bên cạnh các nguồn thông tin khác. Trung tâm tư vấn rất hữu ích trong việc liên hệ với trường mà bạn xin học trong quá trình bạn nộp hồ sơ nhập học (nhất là khi trung tâm đó là đại diện của trường ở Việt Nam) và trong việc chuẩn bị hồ sơ xin visa.
- Xin học bổng
Có thể có bạn sẽ muốn hỏi về kinh nghiệm xin học bổng của mình, nhưng thực ra mình không có nhiều kinh nghiệm lắm. Vì thực tế, các khóa học về tài chính hay kinh tế thường không có nhiều học bổng như các khoác học về kỹ thuật, môi trường hay giáo dục. Hơn nữa, ở Anh rất ít có học bổng. Học bổng Chevening hay học bổng chính phủ thì ưu tiên cho khối nhà nước hơn mà mình thì làm bên nước ngoài nên cũng không quan tâm lắm. Vì thế mình chỉ có một chút hiểu biết về xin học bổng của trường. Đối với các trường ở Anh, bạn phải được nhận vào học rồi mới được nộp đơn xin học bổng; một số trường thì tự động xét học bổng sau khi bạn có offer letter, bạn không cần nộp thêm giấy tờ nào khác. Khi xét học bổng cao học, các trường thường quan tâm nhiều đến bảng điểm đại học của bạn (chứ không phải điểm Ielts) và các thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa và công việc (nếu bạn đã đi làm). Bạn có thể được yêu cầu viết một hoặc vài bài luận theo chủ đề mà trường đưa ra.
Đối với trường hợp của mình, trường Birmingham yêu cầu viết 3 bài luận ngắn (không quá 250 từ) trả lời 3 câu hỏi khác nhau. Nếu khả năng viết của bạn tốt thì bạn sẽ có nhiều lợi thế. Ngoài ra không thể không nhắc đến yếu tố may mắn trong việc săn học bổng. Vì thế, nếu bạn có thành tích học tập xuất sắc mà chưa tìm được học bổng nào thì cũng đừng thất vọng hay bỏ dở ước mơ du học vì chắc mình không cần phải nói ra, bạn cũng biết các giá trị hữu hình và vô hình mà việc du học có thể đem lại cho bạn.
Chúc các bạn thành công!
Nguyễn Bích Thủy
Email: bithuyonline@yahoo.com
MSc Investments 2010-2011
University of Birmingham
(Tham khảo)
(Bài gốc được đăng trên báo Dân trí nhưng link bị lỗi nên không đưa được nguồn trích dẫn chính xác, rất mong mọi người thông cảm)