Thông tin du học Singapore
Singapore: ĐẾN CHÂN TRỜI MỚI - Không thể bỏ lỡ

Nhóm cựu du học sinh NUS (Singapore) và những dự án âm nhạc nơi xứ người

2.1K
Đêm nhạc Pham Duy - Tôi yêu tiếng nước tôi

 

>> Thông tin thiết yếu cho sinh viên học tại Singapore

>> Tải Cẩm nang du học các trường tại Singapore

>> Nhà ở cho du học sinh tại Singapore

 

Xin chào, cám ơn bạn đã đồng ý trả lời phỏng vấn của Hotcourses.

Mời các bạn giới thiệu về bản thân và ngành học ở Singapore cũng như công việc hiện tại của mỗi người.

Mình là Dật Hanh, là cựu sinh viên ngành Quản Trị Kinh Doanh của trường Đại Học Quốc Gia Singapore (NUS). Mình đã tốt nghiệp và hiện đang làm việc cho một công ty Singapore. Ngoài ra, nhóm tổ chức còn có các bạn Thanh Tâm, Phương Thảo, Quang Hiệp, đều là cựu sinh viên NUS, và một số bạn khác hiện đang là sinh viên.

Được biết các bạn đang chạy nước rút cho việc tổ chức chương trình Đêm nhạc “Dấu chân địa đàng”, các bạn có thể giới thiệu đối nét về chương trình?

Dấu Chân Địa Đàng là một đêm nhạc được thực hiện một cách công phu và đầy tâm huyết. Mục đích chính của đêm nhạc là tôn vinh dòng nhạc bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đồng thời ban tổ chức cũng muốn đem lại cho cộng đồng người Việt tại Singapore một sự kiện âm nhạc đáng nhớ, với chất lượng cao về mọi mặt.

Hầu hết các ca sĩ trong chương trình đều là những tài năng trẻ trong cộng đồng người Việt tại Singapore, với nhiều thành tích âm nhạc và kinh nghiệm biểu diễn. Tất cả các bài hát trong đêm nhạc được hòa âm phối khí mới hoàn toàn. Ngoài ra, ca sĩ Lê Hiếu sẽ tham dự đêm nhạc với tư cách là ca sĩ khách mời đặc biệt của chương trình.

Ai là người đã khởi xướng ý tưởng thực hiện Đêm nhạc này và tại sao các bạn lại chọn tên tuổi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để thực hiện chương trình lần này?

Đêm nhạc này là một ý tưởng tình cờ trong một cuộc gặp gỡ thú vị giữa Dật Hanh, Thanh Tâm và Phương Thảo. Lúc đó, bọn mình đã nảy ra một ý tưởng thực hiện một chương trình âm nhạc mang tính thưởng thức nhiều hơn là giải trí.

Bọn mình chọn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì âm nhạc của ông gần gũi với mỗi người Việt Nam, với những ca từ sâu sắc và lôi cuốn, giai điệu đi thẳng vào trái tim của người nghe ngay từ những nốt nhạc đầu tiên. Ngoài ra, âm nhạc của nhạc sĩ này còn mang đậm tính triết lí về cuộc đời, và cuộc tình.

Đây có phải là lần đầu tiên các bạn tham gia tổ chức sự kiện tại Singapore không? Nếu không, các bạn chắc hẳn đã có những kinh nghiệm nhất định trong việc tổ chức sự kiện tại Singapore? Vậy theo bạn đâu là khó khăn lớn nhất trong quá trình “chạy event” ở xứ người?

Đây không phải là lần đầu tiên bọn mình tổ chức một đêm nhạc lớn như thế này tại Singapore. Cách đây gần 2 năm, bọn mình đã tổ chức khá thành công đêm nhạc Phạm Duy: Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi, và đã được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Khó khăn lớn nhất khi tổ chức một sự kiện ở xứ người, thứ nhất là về mặt kinh phí, thứ hai là nhân lực, và thứ ba là về việc mời những ca sĩ gạo cội từ Việt Nam sang biểu diễn.

Khán giả đã đón nhận chương trình đêm nhạc Phạm Duy như thế nào và phản ứng của Việt kiều cũng như du học sinh Việt Nam tại Singapore ra sao?

Bọn mình rất may mắn khi đêm nhạc Phạm Duy diễn ra một cách suôn sẻ và được khán giả đón nhận nhiệt liệt như vậy. Sau đêm nhạc này, âm nhạc Phạm Duy đã được phổ biến rộng rãi, được nhiều khán giả trẻ đón nhận và yêu thích hơn. Ngoài ra, đêm nhạc cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ trong thành phần khán giả trung niên. Đã có rất nhiều lời khen ngợi và đề xuất làm những chương trình tiếp theo.

Theo bạn đâu là những điểm chung và riêng của hai chương trình đêm nhạc Phạm Duy và đêm nhạc Trịnh Công Sơn?

Đặc điểm chung là cả hai chương trình đều là những sản phẩm nghệ thuật đầy tâm huyết của nhóm người Việt say mê âm nhạc tại Singapore, mà sau này bọn mình đã tập hợp nhau lại để lập nên Harita Productions.

Còn về điểm khác biệt, đêm nhạc Phạm Duy đa dạng về màu sắc âm nhạc, từ bán cổ điển đến dân gian đương đại, từ lãng mạn đến hoành tráng. Trong khi đó, đêm nhạc Trịnh Công Sơn lại đa dạng về hình thức thể hiện, một số bản nhạc sẽ được chơi với toàn band nhạc, một số acoustic, một số chỉ trên piano, và có cả A Capella, hòa tấu.

Khâu liên hệ các cơ quan chức năng địa phương để làm các thủ tục hành chính, tìm nhà tài trợ hay đăng kí địa điểm có rắc rối không, khi các bạn là những người nước ngoài?

Vạn sự khởi đầu nan trên mọi phương diện của đêm nhạc. Ban đầu bọn mình cũng gặp nhiều khó khăn trong vần đề tìm kiếm tài trợ và nhân lực. Nhưng càng về sau, mọi chuyện diễn ra thuận lợi hơn khi nhận được sự ủng hộ của đại sứ quán, cộng đồng và các trường.

Ngành học chuyên môn và công việc hiện tại có hỗ trợ được cho các bạn nhiều trong việc tổ chức Đêm nhạc này không?

Đa số những kĩ năng mà bọn mình thu thập được trong quá trình học và hoạt động tại trường đã giúp ích rất nhiều trong quá trình thực hiện dự án, chẳng hạn như những kĩ năng về quản lí thời gian, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thương lượng và quảng bá và rất nhiều kĩ năng khác. Ngoài ra, các mối quan hệ đối với nhà trường và các tổ chức chuyên nghiệp cũng giúp ích rất nhiều trong quá trình hoạt động của đêm nhạc

Cuối cùng, các bạn có thể chia sẻ những kế hoạch lâu dài của nhóm. Liệu các bạn có ý định sẽ tổ chức thường kỳ những đêm nhạc như thế này để phục vụ đời sống tinh thần của du học sinh và những người Việt tại Sing?

Sau đêm nhạc Dấu Chân Địa Đàng, bọn mình dự định sẽ thực hiện thêm nhiều chương trình lớn nhỏ và có thể sẽ hợp tác với những nghệ sĩ từ Việt Nam. Bọn mình mong muốn sẽ trở thành một trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng người Việt tại Singapore, và tương lai xa sẽ là những dự án với quy mô rộng hơn. Bọn mình rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các bạn trong thời gian sắp tới.

Cám ơn cả nhóm và chúc chương trình “Dấu chân địa đàng” diễn ra thành công như mong đợi!

Thông tin bổ sung

Website chính thức: http://trinhcongson.haritapro.com/

Thời gian: 19:30, Thứ bảy 3/11/2012

Địa điểm: Nhà hát Học Viện Nghệ Thuật Singapore (SOTA)

Thông tin về mua vé: http://trinhcongson.haritapro.com/mua-ve/

(Ngoài ra, vé còn có bán qua các đại lý của Ticketbooth trên toàn Singapore, qua hệt thống máy AXS hay online)