Những điều cần biết
Hà Lan: TÌM HIỂU CÁC ĐIỂM ĐẾN DU HỌC

Ngày của nữ hoàng Hà Lan

3K
share image

Dù đã được "xi nhan" trước về mức độ cuồng nhiệt của Queen’s day (30/4), tôi vẫn thực sự sốc vì phấn khích và thòm thèm khi ngày lễ đã đi qua.

 

Nữ hoàng bảo “party đi” 

Queen’s day (Koninginnedag trong tiếng Hà Lan) được xem là ngày lễ được chờ mong nhất xứ sở màu da cam. Mang ý nghĩa tổ chức sinh nhật cho nữ hoàng nhưng ngày sinh chính thức của nữ hoàng Beatrix là vào cuối tháng 1. Ngày 30.4 thực ra là ngày sinh của nữ hoàng Juliana (mẹ của nữ hoàng tại vị), nhưng vì lí do “mùa Đông không phải là thời điểm hợp lý để làm tiệc ngoài trời” nên nữ hoàng Beatrix vẫn tiếp tục truyền thống Queen’s day vào tháng tư cho con dân Hà Lan. Vậy mới biết nữ hoàng Hà Lan "chịu chơi" đến mức nào!  

 

 

Một bữa tiệc thành công thường cần một không khí hay chủ đề cụ thể, và ở Queen’s day, bạn được mời khoác lên người tông màu da cam. Thực sự điều khiến sự kiện Queen’s day trở nên cuồng nhiệt hơn hết chính là hiện tượng Oranjegekte (Orange craze). Hiện tượng này được khởi nguồn từ những người hâm mộ đội tuyển Hà Lan thường cổ vũ đội nhà trong các sự kiện thể thao (cuồng nhiệt nhất vẫn là môn bóng đá) bằng việc trang điểm lên người bằng tông màu da cam. Ở Amsterdam vào ngày này, từ nhà ga trung tâm (Amsterdam Centraal) đến các hang cùng ngõ hẻm dọc ngang phố đèn đỏ, hay trong công viên Volden rực nắng cũng ngập tràn màu da cam, hòa chung màu cờ ba sọc xanh trắng đỏ của quốc gia này. Nhiều teen nghịch ngợm khoác lên mình những mái tóc giả độc đáo: đầu mì tôm, đầu xù kiểu lông nhím hay sử dụng những phụ kiện quái chiêu như “ngón giữa vui vẻ”, kính ngoại cỡ… Đường phố được điểm trang bằng cờ cam, cờ ba sọc, cờ ba chữ XXX của phố đèn đỏ và cả cờ của giới đồng tính.

 

Một hoạt động được chờ mong nhất trong lễ hội này còn là các gian hàng đồ cũ Vrijmarkt với giá cả gần như cho không biếu không. Trẻ em là lực lượng hăng hái mua bán nhất. Từ truyện tranh, đĩa nhạc, áo quần cũ đến đồ hi-tech lỗi thời đều được rao bán tại những gian hàng sơ sài này. Vào thời điểm cuối chiều, nhiều chủ hàng quyết định tung ra các chiêu khuyến mãi hấp dẫn, chẳng hạn như miễn phí món thứ ba.

 

Thích nhất là hoạt động bán mua “hời hợt” ở khu đèn đỏ. Vài ba lon nước lạnh, mấy chiếc ly tách cũ hay bộ đồ lót đã ngã màu cháo lòng cũng được rao bán tuốt. Những anh chàng bán hàng cởi trần với ly bia trên tay sẵn sàng cười chào vui vẻ dẫu bạn không có ý định mua gì. Vui là chính mà. Có gia đình nghĩ mãi chẳng có chi đem bán, tổ chức luôn dịch vụ nhà vệ sinh “chỉ dành cho các quý bà”. Có chuyện “phân biệt giới tính khách hàng” như vậy là vì các quý ông bợm bia chẳng cần tốn tiền chi cho mệt, thành phố đã trang bị sẵn loạt khu vệ sinh công cộng dọc các con kênh.

 

 

Mỗi góc phố một vũ trường

Mặc dù Queen’s day được tổ chức khắp cả nước nhưng Amsterdam vẫn là nơi mọi người tập trung đổ xô về vào dịp lễ, đặc biệt là giới trẻ từ các thành phố nhỏ khác và nhất là đội ngũ sinh viên quốc tế ở Hà Lan. Hàng năm, thành phố này của châu Âu tiếp đón chừng 700.000 lượt khách du lịch đến “vũ trường thành phố”. Trong không khí lễ hội sôi động, nhiều dịch vụ giải trí quái chiêu đã được tổ chức và thu hút phần đông những người khách du lịch hiếu kì. Hai trò chơi được ưa thích nhất là tiết mục sút bóng vào… mông của một cô gái hay ném trứng sống vào anh chàng chủ quầy. Khách hàng nào ném trúng vào tâm điểm, ngoài phần thưởng của “chủ thớt” còn nhận được tiếng vỗ tay reo hò của đám đông. 

 

 

Nếu âm nhạc, bia rượu và hội bạn là ba yếu tố cần và đủ của một đêm vũ trường thì Amsterdam chính xác đã trở thành một vũ trường ngoài trời sáng trưa chiều tối trong dịp Queen’s day. Mỗi góc thành phố, bạn có thể bắt gặp hình ảnh nhóm bạn trong trang phục màu da cam, hăng say nhảy nhót trong tiếng nhạc phấn khích được vặn hết cỡ từ một cái ampli gần đó, và không thể thiếu cốc bia/rượu trên tay. Âm nhạc được nghe thấy ở khắp mọi nơi, thành phố thậm chí còn để các DJ chơi nhạc từ trên giàn giáo ở ngay phía trên đầu khách bộ hành. Từ khu RemprandPlein đến LeidesePlein luôn vang vọng những ca khúc cuồng nhiệt, đủ mọi thứ tiếng (Ai se eu te pego, The Edge of Glory, Low…) và dù có là một người không khoái nhảy múa, bạn cũng sẽ thấy mình nhún nhảy trong lúc cố lách người qua đám đông quá khích. Những nụ hôn và hình ảnh cõng kiệu nhau trong sóng người là gia vị không thể thiếu cho bữa tiệc ngoài trời.

 

Và hình ảnh ấn tượng nhất trong tôi chính là những chiếc thuyền ngập tràn màu cờ sắc áo mỗi khi chạy ngang các con kênh đông người. Trên thuyền, các bạn trẻ cởi trần, mặc bikini hay quấn mình trong lá cờ Hà Lan cùng nhau lắc lư theo âm nhạc và nhịp sóng thuyền, không ngừng hú hét, cười chào những người đứng dọc hai bờ kênh. Và một trong những khẩu hiệu được teen Hà Lan hô vang trên thuyền là Orange forever. Phải rồi, Mãi mãi màu da cam sẽ còn nguyên trong trí nhớ của tôi về một Hà Lan cuồng nhiệt mỗi dịp 30.4 của những năm sau nữa…

 

______________________________

Link hữu ích

>> Kinh nghiệm du lịch một số nước châu Âu

>> Thư gửi mẹ từ Amsterdam

>> Học bổng Wim Deetman, món quà của thủ đô công lí

>> Tải cầm nang du học