Có lẽ các bạn đã từng được nghe chuyện về hình mẫu “con nhà người ta” - những du học sinh không những tự chi trả học phí, sinh hoạt phí, mà vẫn tiết kiệm được tiền để gửi về cho ba mẹ xây nhà lầu sắm xe hơi. Tuy nhiên, từ góc nhìn của một người trong cuộc, mình dám khẳng định rằng du học tự túc không phải là một hành trình dễ dàng như bao người mộng tưởng. Sau những tháng ngày trầy trật với đủ thứ công việc, mình đã đúc rút được những bài học đáng giá sau đây. Ước mong những trải nghiệm của mình sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt cho hành trình của riêng mình.
>> Tóm lại là du học Úc tốn chừng này tiền…
1. Thù lao từ những công việc làm thêm là không đủ
Năm 2012, gia đình mình đầu tư một khoảng tiền $25,000 (tỷ giá lúc đó vào khoảng hơn 500 triệu đồng, tương ứng với hơn chục cây vàng) và dúi vào tay mình 100 AUD. Mình bắt đầu qua Úc năm 17 tuổi, bắt đầu học Tiếng Anh ở MLC. Mình may mắn vào nhà cô chú ở, tiết kiệm được tiền thuê nhà bằng một chỗ ngủ nơi chiếc giường tầng trong phòng khách. Học trên giường, ngủ trên giường, tất tần tật mọi việc điều diễn ra trên chiếc giường hẹp. Do đó, sau này khi đi du học, nếu bạn có một căn phòng riêng thì cũng đừng cảm thấy tủi thân, bởi như vậy tức là các bạn đã may mắn lắm rồi.
Một ngày sau khi tới Úc, mình lang thang ra chợ Victoria Market Melbourne xin việc và bắt đầu với công việc bán cá vào thứ 7, chủ nhật mỗi tuần. Công việc của mình đồng nghĩa với việc phải đẩy 4-5 khoang cá nặng tới 100kg trên chiếc xe đẩy vào mỗi sáng, bóc da cá Leather Jacket, và tệ nhất là gom rác cá gồm ruột, vảy, lòng, xương cá,… vào một ổ rác khổng lồ để vệ sinh. Mỗi ngày mình được trả lương 100 AUD cho 14 tiếng làm việc, về sau được tăng lên mức 150AUD/ngày lương.
>> 7 công việc làm thêm phổ biến cho du học sinh tại Úc
3 tháng sau, mình được ông chủ bán thịt cho qua làm. Với công việc này, có lần mình suýt cắt bay ngón tay trong lúc xắt thịt, hay phải ngâm tay vào bồn nước nóng tới 80 độ để rửa khay. May mắn vì được ông chủ thương, nên từ mức lương 120 AUD, mình được trả 150 AUD, và có khi còn được ông dúi vào tay 180 AUD.
Với công việc làm thêm vào cuối tuần, mình kiếm được khoảng 1200 AUD mỗi tháng, và mình đã chia đều ngân sách cho các khoản như sau: 5 AUD (hay 150 AUD/tháng) cho chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng, 100-200 AUD chi phí ăn uống mỗi tuần. Nhờ chi tiêu tiết kiệm, mình dành dụm được khoảng 100-200 AUD/tháng. Đã có lúc mình nghĩ rằng với công việc làm thêm khi đó, phải mất đến 3-4 năm vẫn không đủ chi phí học tập, càng không dám mơ tưởng đến việc tận hưởng hay về Việt Nam thăm gia đình. May mà học phí năm đầu tiên đã được gia đình hỗ trợ và không tốn tiền thuê nhà, mình mới có thể tồn tại trên đất Úc.
>> Làm thêm tại Úc: bạn hỏi Hotcourses trả lời
2. Hãy có sự chuẩn bị về tài chính và tự nhắc nhở bản thân đến Úc vì điều gì!
Cuối tháng 12/2012, mình xin được công việc Làm bếp ở KFC. Đây là cơ hội đã giúp mình đổi đời với mức lương khởi điểm 15AUD/giờ. Trước mưc lương hấp dẫn, mình lao vào làm như thiêu thân. Vào kỳ nghỉ, sinh viên được làm thêm không giới hạn, chưa kể Graveyards (công việc làm ca đêm) là việc ai cũng chê, nên mình đã nhận hết. Suốt 3, 4 tháng hè, tối nào mình cũng làm quần quật từ 11 giờ khuya đến 7,8 giờ sáng hôm sau. Cuối tuần thì làm ở tiệm bán cá, tiệm bán thịt. Thu nhập lúc đó của mình rơi vào khoảng 1000 AUD sau thuế mỗi tuần, và sau khi trừ các khoản chi tiêu thì mình gom góp được khoảng 3000 AUD/tháng. Thế mà, dẫu cho mình cày quần quật, sáng đi học tới 4 giờ chiều, về lại đi làm đến 11 khuya, rồi còn cả những công việc làm thêm dịp cuối tuần, vậy mà vẫn không đủ! Lý do là bởi tiền học phí mỗi kỳ đã lên tới 6000 AUD.
Trước kì thi, mình hạn chế công việc làm thêm để dành thời gian cho việc học, và kết quả là mình đã kết thúc năm 12 với điểm tốt nghiệp 96.45/99, trúng tuyển 10 nguyện vọng. Mình đã rất vui mừng và không dám tin rằng mình may mắn đến vậy. Ngày công bố điểm, các trường đại học ồ ập gọi điện để đề xuất học bổng. Năm đó mình rất mê ngành Kỹ Sư. Mình may mắn được Thầy Quý (là người phụ trách xây cầu Cần Thơ) điện thoại, báo rằng mình được trao học bổng trị giá 10,000 AUD/năm cho chương trình cấp bằng kép Luật-Kỹ sư dân dụng, nhưng học phí sau khi đã trừ học bổng vẫn còn rơi vào khoảng 25.000-28.000 AUD/năm – một con số quá cao so với sức mình. Vậy là mình đành từ bỏ ước mơ làm Kỹ Sư Hàng Không, đi học tiếp một cái bằng Kế toán Kinh doanh (Business Accounting) với học phí 16.000 AUD/năm.
>> Du học Úc: làm thế nào để biết tôi hợp ngành gì?
Đấy, các bạn thấy không? Cuộc đời đúng là không toàn màu hồng. Bản thân mình đã cố gắng hết sức những vẫn phải từ bỏ ước mơ, đành lao vào cái vòng Kế toán luẩn quẩn. Nhiều người hỏi mình “Tiếc không?”, mình chỉ biết nói “Tiếc chứ! Nhưng… đâu thể làm khác?”
3. Việc học phải là ưu tiên số 1
Từ năm 2013 cho đến năm 2017, mình dọn ra ngoài ở. Đó là những tháng ngày đúng nghĩa “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Trường dễ, mình cũng chẳng màng chuyện tới trường mà lao vào làm ở KFC. May mắn lên được vị trí quản lý nên lương cao hơn cũng cao hơn các bạn nhân viên, tầm 20 AUD/giờ. Vì mỗi tuần chỉ được làm có 20 giờ, nên mình đã nhận thêm những công việc khác như làm trong công xưởng, nhà máy… Vậy mà cũng chỉ vừa đủ cho sinh hoạt phí, tiền thuê nhà và tiền học. Mỗi tháng mình kiếm tầm 3000-4000 AUD thì tiền nhà đã ngốn đến 600 AUD, tiền ăn tầm 600AUD/tháng, chưa kể còn phải đóng tiền xăng xe cùng nhiều chi phí khác. Kết quả, mình dư được tầm 1000-2000 AUD/tháng là cùng, và chừng đó cũng chỉ vừa đủ cho những trường nhỏ.
Trong khoản thời gian này, mình quá lo làm nên đã phải trả giá bằng một năm chểnh mảng việc học. Kết quả là mình phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền đóng phí học lại. Thời điểm đó, mình từng phải bán hết đồ đạc trong nhà để đóng đủ học phí.
Cuộc sống biến chuyển khả quan hơn vào năm 2017, khi mình thoát được “kiếp” làm công việc chân tay và được nhận vào làm văn phòng cho một công ty của Úc. Chưa đầy một năm, mình đã được thăng chức và trở thành Quản lý văn phòng. Đó là những tháng ngày mình không còn đi học nên có thời gian để thỏa sức làm việc, nhưng hậu quả từ quãng thời gian làm ca đêm và phải lau chùi sàn nhà quá sức đã khiến mình đau lưng, nhiều khi không thể ngồi dậy nổi. Chưa kể, bên cạnh việc văn phòng, mình vẫn nhận thêm công việc dạy học cho các em cấp 3.
Khi tưởng chừng cuộc đời sẽ tiếp tục với những công việc lớn nhỏ, thì mình mới nhận ra vòng xoáy kiếm tiền đã khiến mình xa rời mơ ước Định Cư.
>> Kinh nghiệm du học Thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin tại Tasmania, Úc
4. Du học tự túc không chỉ toàn màu hồng, và luôn có "happy ending" cho sự cố gắng
Năm 2018, vợ chồng mình quyết định hoạch định lại cuộc đời, tạm biệt Melbourne, xuống bang Tasmania kiếm tìm cơ hội định cư. Lại tiếp tục những chuỗi ngày vừa học vừa làm. Trong chưa đầy hai năm, cuối cùng tụi mình cũng kiếm được tấm vé ở lại. Giờ đây, tụi mình tập trung vào công việc giảng dạy Tiếng Anh và chia sẻ những kinh nghiệm đã qua cho thế hệ sau mình!
Mình muốn dành những lời cuối để nhắn nhủ với những bạn đang mộng tưởng về du học tự túc! Du học tự túc không hề đơn giản. Vì tiền học không phải là nỗi lo duy nhất, mà còn phải đối mặt với các khoản sinh hoạt phí và cả những khoản tiền "từ trên trời rơi xuống". Quan trọng nhất, đừng chỉ cắm mặt vào làm mà hãy dành thời gian cho việc học, và cũng không nên ở lại Úc quá thời hạn thị thực cho phép – bởi những điều này chỉ giải quyết được nỗi lo cơm áo gạo tiền trước mặt, nhưng một ngày nào đó có thể khiến bạn phải trả giá bằng cả tương lai và cơ hội định cư lâu dài.
>> Vay tiền để du học, nên hay không?
Nhân đây, mình cũng xin nhắn nhủ với những bậc phụ huynh muốn con vừa đi du học với kỳ vọng đổi đời. Đã du học thì không đổi đời ngay lập tức, vì các du học sinh còn phải chịu hàng trăm áp lực. Hãy để con cái tự lo cho bản thân, và nếu được, xin quý phụ huynh hãy có sự chuẩn bị và giúp đỡ con cái khi cần, thay vì đặt thêm áp lực kiếm tiền cho con em mình.
Mình tin chắc rằng bất kì sinh viên nào khi đã du học tự túc, đều đã trưởng thành và trách nhiệm hơn rất nhiều trong tư tưởng và tính cách, và đó chính là những tố chất cơ bản để bạn xây dựng tương lai sau này.
Chúc các bạn có một cái nhìn rõ hơn và thực tế hơn qua câu chuyện của mình. Mỗi khi chùn bước, mình đã thêm vững vàng nhờ câu nói “Muốn tự đứng bằng đôi chân này, đừng bao giờ bỏ cuộc!”, và mình hi vọng rằng các bạn cũng thế!