Tiếng piano vẳng lại giữa không gian rộng mở trên con đường đi bộ ven sông Thames. Mọi người vẫn qua lại ngược xuôi, một vài cái đầu ngoái nhìn tìm kiếm, rồi một vài dừng lại và chăm chăm hướng về một phía. Những ánh nhìn tán thưởng, những tiếng click máy ảnh liên tục và những nụ cười...
>> Đọc thêm về cảm nhận du học
Người đàn ông mặc một bộ vest đuôi tôm cũ đã nhuốm màu thời gian và khắc hình nhàu nát. Ông ngồi trên một chiếc xe tự chế, vừa đạp vừa đánh đàn. Mọi thứ đều không còn mới, cái xe với những phần còn nhìn thấy được, cái thùng đàn piano cũ kỹ bạc màu vì gió mưa (bên trong thực chất là một cây đàn keyboard) người đàn ông cũng không còn trẻ, tóc hoa tiêu xoăn xoăn không che lấp được những nếp nhăn nhàu nhĩ trên gương mặt. Ông hát, giọng hát nho nhỏ và không rõ lời dù đã qua mic, điệu nhạc không có gì quá đặc biệt. Nhưng ông, với những thứ chắp nhặt, với một ý tưởng khác lạ, với vẻ mặt say mê ngân nga yêu đời, tạo nên một tiết mục khác lạ trong những tiết mục cũng không hề nhàm chán của rất nhiều nghệ sĩ đường phố khác, đang góp vui cho những người khách bộ hành, tạo nên vẻ đẹp riêng, sức sống riêng cho London nhộn nhịp.
Street artists_những nghệ sĩ đường phố, bạn có thể gặp họ ở mọi nơi công cộng tại London: nơi phố xá qua lại, nhà ga tàu điện ngầm ồn ã, trên những chuyến tàu, trên cầu đi bộ hay giữa công viên. Họ đắm mình trong những tiết mục biểu diễn với gương mặt vui vẻ và đôi lúc hưng phấn. Mỗi người một vẻ, mỗi người góp vui với biệt tài riêng. Hình thức dễ gặp nhất là những nhạc công với đàn guitar điện, trống, kèn, sáo và cả những nhạc cụ tôi cũng không biết rõ. Thường họ sẽ chuyên ngồi một chỗ và xuất hiện cũng như biểu diễn cùng một khoảng thời gian. Sau đó, một nghệ sĩ khác sẽ đến với tiết mục khác.
London đa sắc tộc, và âm nhạc đường phố cũng rất nhiều màu sắc. Bạn có thể nghe tiếng trống châu Phi đầy thôi thúc nhưng cũng có thể nghe tiếng đàn violin da diết. Lâu dần, những buổi trình diễn đó, những gương mặt và tiếng nhạc đó sẽ thành một phần nhận dạng, một phần gắn bó với góc phố ấy hay ga tàu kia. Trong những sáng sớm người người hối hả vồ vập đi làm, trong những chiều tối nhá nhem người người lại vội vã về nhà hay gặp bạn bè, họ vẫn đứng đấy đàn hát. Vài người đi qua để lại vài đồng xu lẻ, họ lại gật đầu cười. Nhưng tôi tin, ít hay nhiều, họ mang đến những âm thanh rung động, những khoảnh khắc khó quên cho một ai đó trong một ngày đặc biệt nào đó. Tôi đã từng đứng trân trối ngắm nhìn một anh nhạc công chơi guitar điện với bàn tay bị cụt. Anh cắm một chiếc gậy bằng sắt vào phần cùi thịt kia và say sưa gẩy đàn với đôi mắt long lanh và nụ cười hiền trên môi. Tôi đã từng bị thôi miên bởi tiếng sáo vang lên giữa ngã tư giao lộ, đã không tin vào tai mình rồi chạy như bay theo âm thanh thánh thót trong trẻo xuống hầm đường bộ và mỉm cười thấy một bác trung niên đầu tóc bù xù mặc quần đùi đỏ đang trình diễn. Đó quả thật là những cảm giác, những hình ảnh thật khó quên.
Nhưng London không chỉ có những nhạc công đường phố, còn rất nhiều nữa những nghệ sĩ hình thể. Tôi tạm gọi họ là vậy, khi họ sử dụng ngay cơ thể của mình làm đạo cụ trình diễn. Bạn sẽ thấy Charles Chaplin vung vẩy gậy đón chào bên cạnh nữ hoàng Elizabeth với áo váy chỉnh tề cười nụ cười đầy quyến rũ. Đằng kia là người nhện đang âu yếm mấy cậu bé, hay một anh cao bồi toàn thân bôi sơn màu đồng sáng trầm ngâm đứng yên như tượng bên cột điện. Có khi đấy lại là một cô tiểu thư mặc váy dài cuốn tóc như thế kỷ 18 và bôi xanh toàn thân mình đang cử động chậm rãi như một thước phim cũ quay chậm. Tiếng nói của họ, âm sắc của họ không thể hiện qua giọng ca mà bằng trang phục và cử động hình thể.
Một hình thức nữa có vẻ sinh động là những nghệ sĩ nhảy. Có khi chỉ là một cậu thanh niên nhảy cracket trên tàu điện ngầm, có khi là một bác da đen quây tụ mọi người lại thưởng thức màn nhảy break dance. Bạn sẽ được thưởng thức bài thuyết trình đầy hưng phấn và thuyết phục kèm theo những màn nhảy và âm nhạc sôi động. Nếu bạn thích thú màn trình diễn của họ, hãy để lại vài xu nhé, để cổ vũ những con người nhiệt huyết ấy.
Tôi luôn nghĩ về nghệ thuật như một điều tích cực của cuộc sống, khi cái đẹp được trân trọng và yêu quý. Người ta sẽ không ca hát được khi không có tình yêu nghệ thuật nói riêng và tình yêu cuộc sống nói chung. Vì thế, tôi rất ngưỡng mộ những nghệ sĩ đường phố tôi bất chợt gặp. Tôi cảm phục họ khi không ngồi yên chấp nhận số phận như một gã ăn xin, mà họ vẫn tìm ra lối đi riêng của mình để tồn tại và tôn vinh cuộc sống này. Tuy vậy, cuộc sống vẫn là cuộc sống, và khó khăn đời thường chắc chắn vẫn đeo nặng những người nghệ sĩ đường phố. Sau những nụ cười kia có lẽ là những lo toan cho miếng ăn thường ngày.
Trong một chiều đông lạnh buốt, cả gia đình 3 người hì hụi xây nên những bức điêu khắc bằng cát dưới bờ sông Thames, sóng và gió quật vào bờ. Gió lắm, gió hất tung tóc và khăn choàng của những người bộ hành ngó xuống xem từ trên. Nhưng gió cũng mang theo lời nói của người bố thỉnh thoảng ngẩng lên tìm kiếm sự ủng hộ của người xem "Thank you. Thanks for your smiles. But smile doesn't pay meal" (Cám ơn. Cám ơn nụ cười của các bạn. Nhưng nụ cười không mang đến những bữa ăn). Vậy thì bạn nhé, hãy đừng ngần ngại mà không đặt xuống vài đồng xu lẻ để ủng hộ những con người đang cố gắng sinh tồn và góp phần thể hiện nét đẹp của một lối sống yêu nghệ thuật và yêu đời.
Hãy cứ đi bộ dọc bờ Nam sông Thames, bạn sẽ thấy họ, những người nghệ sĩ đường phố London.
>> Một số gợi ý lựa chọn trường du học tại Anh
>> Các học bổng du học Anh khác