>> Bí quyết trả lời phỏng vấn làm thêm hè
>> Portfolio là gì?
>> Hướng dẫn sử dụng Hotcourses Việt Nam
Phỏng vấn qua điện thoại là một trong những thử thách rất lớn vì trong một cuộc hội thoại ngắn, bạn phải thể hiện được khả năng và nhiệt tình của bản thân dành cho công việc đó. Dưới đây là một số bí kíp giúp bạn đỡ bị “khớp” khi phải thực hiện một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Sẵn sàng tâm lí “chiến”. Điều cơ bản nhất là bạn phải biết được nhà tuyển dụng và công ty cũng như yêu cầu công việc đó. Hãy đọc thật kỹ miêu tả công việc và móc nối chúng với những khả năng của bản thân để biết “lăng-xê” mình kịp lúc. Việc soạn trước các câu hỏi có thể gặp phải trong một cuộc phỏng vấn sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt nội dung cần trả lời. Bạn có thể tham khảo danh sách những câu hỏi thường gặp khi đi phỏng vấn để thực hành trước.
Luyện tập trước. Nếu chưa có kinh nghiệm phỏng vấn, bạn nên thực tập trước với người thân và nhờ họ đưa ra những câu hỏi liên quan để luyện trước. Để khách quan, bạn đừng nên “phím” trước người thân về nội dung bạn sẽ trả lời để mọi người có thể cho bạn cảm nghĩ chân thật nhất về những nội dung đó. Lời khuyên của người đứng ngoài “chiến tuyến” bao giờ cũng sẽ khách quan hơn, chẳng hạn về vấn đề lương bổng.
Đảm bảo không bị tạp âm. Nếu có kế hoạch phỏng vấn từ trước, bạn nên nói cho người bạn chia nhà hay gia đình biết rằng mình sẽ có một cuộc hẹn phỏng vấn quan trọng. Điều này nhằm giúp bạn có được một môi trường âm thanh “trong sạch”, không bị làm phiền bởi tiếng ồn xung quanh. Nếu bạn sống ở tầng hầm hay khu vực bắt sóng điện thoại yếu, hãy kiểm tra cho thật kĩ để cuộc phỏng vấn không bị gián đoạn bởi yếu tố này. Những sự chuẩn bị này sẽ cho người đối diện cảm giác chuyên nghiệp khi làm việc với bạn.
Bạn nên ngồi cạnh một chiếc bàn với giấy viết ngay bên cạnh để có thể ghi lại những nội dung quan trọng (số điện thoại, tên một ai đó…) Ngoài ra, tờ đơn CV và thư xin việc của bạn cũng nên được đặt dưới tầm mắt để đảm bảo bạn không bỏ sót thông tin nào (mà người tuyển dụng cũng đang có trước mắt họ).
Thở sâu và… mỉm cười khi gọi điện. Tin không, nụ cười và tinh thần vui vẻ của bạn sẽ có thể được nghe thấy qua điện thoại bởi tông giọng đấy. Hơn nữa, đây cũng là cách giúp bạn lấy lại bình tĩnh trước khi “lâm trận”. Nếu gặp phải một câu hỏi hóc búa, bạn có thể thẳng thắn cho người tuyển dụng biết là bạn cần một ít thời gian để suy nghĩ về câu trả lời (nhưng cũng không nên để người đối diện phải chờ quá lâu). Tương tự, nếu bạn không nghe rõ câu hỏi hay không hiểu một thuật ngữ nào đó, việc lịch sự yêu cầu đối phương hỏi lại là rất cần thiết nếu bạn không muốn rơi vào tình cảnh người hỏi một nẻo, mình lại trả lời một nẻo khác.
Hỏi họ bao giờ bạn sẽ nhận được câu trả lời. Điều này sẽ giúp bạn có được một đáp án “đúng hạn” cho quá trình tìm việc, lên kế hoạch của mình, ngoài ra cũng nhằm gửi thông điệp đến đối phương là “Tôi vẫn rất quan tâm đến vị trí đó”. Cuối cùng, nên nhớ là đoạn cuối của buổi phỏng vấn không phải là thời điểm để bắt đầu một thảo luận nào đó hay nói chuyện lương bổng đâu, bạn nhé.
Nguồn: Lược dịch từ Targetjobs.co.uk