Chính xác hơn, đó là công việc thu ngân của Lam Hạnh, du học sinh tại một ngôi trường chuyên về Quản lí khách sạn trình độ cao (Ecole Superieure Hoteliere de Paris). Bài viết là tâm sự về những ngày đầu tiên Hạnh mới vào làm thu ngân ở một siêu thị tại Pháp hay cũng như tại tất cả các quốc gia trên thế giới, nơi thu-ngân là một trong những công việc làm thêm phổ biến cho sinh viên.
>> Du học Pháp: 6 công việc làm thêm tôi đã từng làm
>> Du học sinh Hàn quốc bật mí kinh nghiệm bếp núc
>> Đi là giữ trẻ (au-pair) ở nước ngoài
>> Thực tập ở nhà hàng chính là đi thể dục thẩm mỹ
“Thế là mình đã đứt duyên với nghiệp nhà hàng, chuyển sang một nghề khác không mấy liên quan: thu ngân (caissière). Nói cách khác, mình ko cuốn nem, chạy bàn, rửa bát nữa mà đi… đếm tiền.
Một cách sơ sài, có thể miêu tả công việc mới của mình như sau: ngồi ở lối ra vào của siêu thị, chờ mọi người mua sắm xong thì dí mã vạch trên các gói/hộp/thùng/chai/lọ/… vào máy cho nó kêu đánh tít một cái, rồi thu tiền.
Nói sơ sài nhưng có những chuyện nghe vậy mà không phải vậy.
Mình bắt đầu công việc vào lúc 7h (trời còn chưa kịp) sáng, dỡ những thùng carton trong kho ra và xếp lên những kệ hàng cao ngút. Trời thương người chịu khó, đẩy mình vào khu vực “ấm áp và thơm tho” nhất – khu pho-mát (fromage). Cái mũi bệnh tật được dịp phát huy giá trị như một máy lọc mùi hàng hiệu trong cái tủ lạnh khổng lồ, nơi đủ thứ mùi được trộn lẫn vào nhau. Đấy, việc gì cũng có hai mặt của nó cả, và con người lạc quan yêu đời là mình đây thì luôn sung sướng mà tự nhủ rằng “Ít ra thì ta vẫn còn chưa bị đày đến chỗ pho-mát thủ công (tinh hoa ẩm thực Pháp, nơi cái của nợ bốc mùi đó được trưng bày trong trạng thái “nguyên chất” 100%)”.
Sau khoảng 2 tiếng lăn lê bò toài trong tiếng nhạc ru ngủ của radio buối sáng, giờ siêu thị mở cửa cũng là lúc mình bắt đầu với công việc chính thức. Những câu chào quen thuộc, những động tác quen thuộc, và những con số quen thuộc (nhưng tất nhiên tiền thì ko nằm trong túi mình). Thỉnh thoáng mình thấy khá phiền phức cho cái sự câu nệ lễ tiết của người Pháp khi chỉ gặp mặt nhau có chưa đầy phút mà nào những là bonjour/bonsoir (Xin chào buổi sáng/ Chào buổi tối), s’il vous plait (làm ơn), merci (cám ơn), bon journée/soirée (Chúc một ngày/ tối tốt lành), au revoir (Hẹn gặp lại). Ờ thì lịch sự, nhưng mà vài trăm lần cho một ngày, thì…
Nhân thể, mình ghét ghê gớm cái logic số học của thứ tiếng mà nghe bảo là đẹp nhất thế giới này. Các bạn học tiếng Pháp của tôi ơi, ai trả lời giùm tôi một cái, tại sao 99,77 nó lại ko thể đơn giản là chín-mươi-chín-phẩy-bẩy-mươi-bẩy mà lại phải là bốn lần hai mươi và mười chín phẩy sáu mươi và mười bảy (quatre vingt dix neuf virgule soixante dix sept)???
>> Tìm hiểu các khóa học về Tài chính
Tiền bạc luôn là một vấn đề nhạy cảm và cũng dễ hiểu khi mọi người đều trở nên nhạy cảm khi dính đến tiền. Một ông bác sau khi kiểm tra lại hóa đơn mua hàng hơn 200 món đã phát hiện ra một hộp cá trích bị tính đến 2 lần. Một bà già than phiền ko được giảm 50 centimes cho 5 quả kiwi như khuyến mãi đề trong tờ quảng cáo. Một ông cụ phải trả 1,20 eu cho một tờ báo đáng giá 1 euro… Lỗi lầm be bé thừa sức gây nên thảm họa: bao nhiêu công đoạn giải thích, xin lỗi trong sự bực bội của dòng người ùn tắc và ánh mắt sát thủ của sếp đằng sau lưng.
Ngoài những giờ cao điểm phải chiến đấu cật lực chống lại hàng người đông như … zombie ra, những lúc còn lại trong ngày cũng khá rỗi rãi. Lâu lâu vắng, sếp lại điều động mình đến một gian hàng nào đó sắp xếp lại hàng hóa, kéo những thứ ở đáy kệ ra ngoài “để tạo sự thuận lợi nhất cho khách”. Nghịch được một thời gian, mình lại đâm khoái cái trò kéo ra kéo vào này, cứ như chơi lego vậy, mỗi tội cứ chơi được một lúc lại phải chạy về khi có khách.
Soulmate, sau khi cập nhật được tình hình, đã nhanh chóng vẽ nên câu chuyện tình rõ đẹp giữa cô sinh viên nghèo vượt khó và anh con trai bác chủ tịch tập đoàn siêu thị. À thì, ở một nơi mà nhà thuốc còn nhiều hơn siêu thị như thế này, phim Hàn Quốc có lẽ không được ưa chuộng lắm đâu, thay bằng phim Việt Nam thì hơn: một ông già giàu có gần đất xa trời trải qua bao khó khăn để đi tìm đứa cháu gái của ông bạn chiến đấu năm xưa…
Có những khách cao tuổi, nhét thẻ ngân hàng vào máy xong, phều phào ghé tai mình hỏi “Mày nhớ mã thẻ của tao ko?”
Có những ông già, trả có 10e tiền hàng, rút một bọc nilon nhỏ trong túi (toàn đồng xu, đồng centime) đổ đánh xòe một phát trước mặt mình rồi toe toét “Cứ tự nhiên”.
Lại có những ông khác, tính tiền đâu đó xong xuôi ngẩn ra một lúc rồi nhờ mình đi kiếm hộ cái gậy quên ở đâu đó để về nhà (không có thì ông không về được).
Mọi người đều rất thông cảm với họ (thầy dạy marketing đã nói, không được kỳ thị tương lai của chính mình).
Ấy vậy là sau một tháng, mình cũng đã quen với công việc mới. Không còn ai châm lửa vào mông cho chạy như hồi còn làm chạy bàn ở nhà hàng, không còn mùi dầu mỡ vương đầy trên tóc tai quần áo. Không có đứa để (lén lút) buôn chuyện cùng, không có đồ ăn miễn phí để mà õng ẹo chê lên xuống. Dù sao đi nữa, mỗi cây mỗi hoa, gì cũng nên thử một lần cho biết, nhất là cái thử đó lại ra tiền nữa thì sao lại không, nhỉ?
Ghi chú: Mọi người đi siêu thị mua sắm nhớ kiểm tra lại hóa đơn mua hàng nhé, rất có thể đụng phải một đứa ngày đầu thử việc như mình đấy :-) !
LAM HẠNH
___________________________
Link hữu ích